Trở về với buôn làng...
Do nhẹ dạ, cả tin nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ea H’leo đã vượt biên trái phép sang Campuchia, Lào, Thái Lan tìm kiếm cuộc sống giàu sang, để rồi… “vỡ mộng” phải quay trở về quê hương. Được chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ, đến nay, nhiều hộ đã từng bước ổn định cuộc sống.
Khoảng giữa năm 2015, nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu, anh Y Klô Mlô (SN 1994, ở buôn Choăh, xã Dlie Yang) đã bán nhà cửa, ruộng vườn, cùng bố mẹ đẻ và vợ vượt biên trái phép sang Campuchia để đi tới nước thứ ba giàu có. Thế nhưng, ở nơi đất khách, gia đình anh Y Klô phải mới thấm thía những tháng ngày cơ cực nhất. Tiền bạc không còn, lại bất đồng ngôn ngữ, đói khổ, đau ốm, không có việc làm, bị đối xử tệ hại… Những điều tồi tệ đó giúp anh dần nhận ra mình đã bị lừa. Anh nhớ lại: “Khi bị bắt vào trại tị nạn thì cũng là lúc vợ chồng tôi mất liên lạc hẳn với bố mẹ. Hai vợ chồng được bố trí ở một căn phòng chật hẹp, ẩm thấp cùng với 6 người khác. Lúc đó, tôi chỉ có một suy nghĩ là làm thế nào quay trở về quê hương để làm lại từ đầu”.
Đến năm 2019, vợ chồng Y Klô được trao trả về địa phương. Trước khi gặp lại bà con, buôn làng, điều khiến vợ chồng anh lo lắng nhất là bị mọi người xa lánh, hắt hủi. Ấy thế mà, ngày trở về của gia đình anh không phải như vậy. Được chính quyền địa phương, ban tự quản buôn vận động, bà con lối xóm và dòng tộc của Y Klô đã chia sẻ đất ở, đất sản xuất để vợ chồng anh có chỗ tá túc làm lại cuộc sống. Ngoài ra, các tổ chức hội, đoàn thể đã vận động hỗ trợ ban đầu về nhu yếu phẩm, bà con lối xóm còn đến trò chuyện, chỉ cho thấy cái sai, cái đúng để vợ chồng anh sớm hòa nhập với cộng đồng.
Sau khi về địa phương, anh Y Klô Mlô (bên phải) được cán bộ xã Dliê Yang hướng dẫn kỹ thuật canh tác để phát triển kinh tế. |
Tương tự, vợ chồng Ama Ngai ở buôn Tùng Thăng (xã Ea Ral) cũng phải trả giá cho ảo tưởng về cuộc sống sung sướng bên kia biên giới bằng gần 6 tháng nếm trải cơ cực, đói khát nơi đất khách. Hơn 5 năm trước, vợ chồng ông vượt biên trái phép sang Thái Lan. Ròng rã nhiều ngày đi theo kẻ xấu dẫn đường trốn chui lủi trong rừng, không có cơm ăn nước uống, suốt ngày chỉ nghe tiếng súng nổ chát chúa, ông nghĩ mình sẽ phải “bỏ xác” nơi rừng thiêng nước độc. Thế rồi tình cờ ông được một hộ dân ven rừng cho tá túc qua đêm và gọi nhờ điện thoại về địa phương. Khi được cán bộ Công an huyện Ea H’leo hướng dẫn cách trở về, vợ chồng ông mừng khôn xiết. Trở lại quê nhà, được chính quyền địa phương giúp đỡ, vợ chồng Ama Ngai đã chăm chỉ làm ăn, ổn định cuộc sống. Từ một héc ta cà phê xen tiêu, năm 2019 ông đã xây dựng được nhà mới khang trang trị giá gần 600 triệu đồng. Đến năm 2021, vợ chồng ông tiếp tục mua thêm gần 2 ha đất với giá hơn 690 triệu đồng để trồng điều, cà phê, tiêu. Các con của ông cũng lần lượt lập gia đình và có cuộc sống ổn định. “Trở về quê nhà, tôi kể lại hành trình của bản thân, những ngày tháng bị bỏ đói nơi đất khách để bà con hiểu rõ. Tôi cũng khuyên bà con nên cố gắng lao động, đừng nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, lôi kéo, chỉ rước khổ vào thân. Không đâu bằng nhà mình, quê mình hết" - Ama Ngai chia sẻ.
Ông Y Quốc R’Căm, Trưởng buôn Tùng Thăng cho hay, những năm gần đây đời sống, kinh tế của người dân trong buôn đang từng bước “thay da đổi thịt”. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp bị kẻ xấu xúi giục bỏ quê hương vượt biên trái phép để rồi nhận “trái đắng”. Những người bị lừa khi trở về địa phương đã được ban tự quản buôn, chi hội, đoàn thể… đến vận động, trò chuyện để họ thấy được sự ấm áp của tình nghĩa làng xóm, đồng thời tuyên truyền để họ yên tâm lao động sản xuất ổn định đời sống, cùng nhau đoàn kết phát triển quê hương đất nước. Đó cũng là lời nhắc nhở bà con trong buôn không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục để vượt biên trái phép.
Theo Thượng tá Y Sao Niê, Phó Trưởng Công an huyện Ea H’leo, từ năm 2015 đến nay trên địa bàn có khoảng 40 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 100 nhân khẩu bị kẻ xấu lôi kéo, xúi giục vượt biên trái phép với hy vọng tìm cuộc sống giàu sang. Hiện đã có 20 hộ với 55 nhân khẩu trở về, đều được chính quyền địa phương, các cơ quan hữu trách của huyện tạo điều kiện hỗ trợ ổn định cuộc sống. Nhiều hộ có kinh tế khá giả, làm nhà mới trị giá hàng trăm triệu đồng, mua thêm đất sản xuất, nuôi con cái học hành đầy đủ... Đặc biệt, họ không còn ý định vượt biên trái phép nữa.
Qua những trường hợp kể trên cho thấy, những lời dụ dỗ vượt biên trái phép ra nước ngoài để có cuộc sống giàu sang, sung sướng chỉ là ảo tưởng. Vì vậy, người dân, nhất là đối với những hộ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa cần hết sức cảnh giác, tránh bị lợi dụng, lừa phỉnh rời bỏ buôn làng, vượt biên trái phép ra nước ngoài.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc