Multimedia Đọc Báo in

Chăm lo thế hệ măng non

08:28, 13/05/2022

Trong những năm qua, các cấp bộ Đội trong tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng, tạo môi trường thuận lợi để các em học sinh phấn đấu trở thành "Con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ".

Được Hội đồng Đội tỉnh phát động từ đầu năm học 2020 – 2021, đến nay “Tiếp sức đường dài” đã trở thành một mô hình thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ đội viên, thiếu niên nhi đồng trong toàn tỉnh. Để phát huy hiệu quả mô hình, ngay từ khi mới triển khai, Hội đồng Đội các cấp đã rà soát những đội viên khó khăn nhất tại liên đội để có hình thức hỗ trợ. Nguồn lực thực hiện chương trình được vận động từ các doanh nghiệp, sự ủng hộ, trợ giúp của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân và các phong trào gây quỹ của Đội. Đến nay, chương trình đã được triển khai khắp các liên đội trong toàn tỉnh, qua đó tiếp sức cho gần 2.000 học sinh với kinh phí hỗ trợ trên 3 tỷ đồng. Trong đó mức thấp nhất là 100.000 đồng/tháng/em và cao nhất là 1.000.000 đồng/tháng/em; đặc biệt có những trường hợp nhà hảo tâm cam kết hỗ trợ các em đến khi học xong bậc THPT.

Công trình măng non Khu vui chơi thiếu nhi của Hội đồng Đội TP. Buôn Ma Thuột trao tặng học sinh Trường Tiểu học Phú Vinh (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột).

Nhận thấy ý nghĩa thiết thực từ chương trình, CLB Vì đàn em thân yêu (trực thuộc Hội đồng Đội huyện Cư M’gar) đã vận động được rất nhiều tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ học sinh khó khăn. Ngoài hỗ trợ tiền mặt, tùy theo nhu cầu của học sinh mà CLB sẽ sử dụng số tiền hỗ trợ hợp lý theo từng tháng như mua nhu yếu phẩm, mua dụng cụ học tập. Mọi khoản thu chi cho từng hoàn cảnh đều được CLB công khai minh bạch và chuyển đến nhà hảo tâm để tiện theo dõi. Anh Mai Văn Chuyền, Chủ nhiệm CLB cho hay, việc xây dựng mô hình “Tiếp sức đường dài” giúp thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ thường xuyên, thay vì một lần như trước đây. Mô hình này đang có sự lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực giúp các em vượt qua khó khăn, nuôi dưỡng ước mơ tới trường.

Để học sinh khó khăn yên tâm bước vào năm học mới, Hội đồng Đội tỉnh cũng đã triển khai chương trình “Sách giáo khoa cho em”, qua đó vận động trao tặng sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho thiếu nhi vùng khó. Dù chỉ mới triển khai, nhưng chương trình đã đạt được kết quả ngoài sự mong đợi, nhận được sự chung tay không chỉ của các tổ chức, cá nhân mà còn được ủng hộ nhiệt tình từ chính học sinh của các trường học trên địa bàn. Chỉ trong năm học 2021 - 2022, chương trình “Sách giáo khoa cho em” đã vận động được tổng số sách quy đổi thành tiền mặt trị giá gần 1 tỷ đồng. Riêng cấp tỉnh đã vận động 8.300 bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 9 trao tặng cho học sinh.

Đại diện Hội đồng Đội tỉnh tặng quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại thị xã Buôn Hồ.
 
Công tác giáo dục, chăm sóc thiếu niên, nhi đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đã và đang được Hội đồng Đội các cấp trong tỉnh triển khai phù hợp với điều kiện của địa phương, góp phần chăm lo, giáo dục những mầm xanh tương lai của đất nước, tạo ra thế hệ kế cận, bồi dưỡng nguồn cho Đoàn xem xét, kết nạp”.
 
Anh Trần Quốc Nhật, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh

Xác định công tác Đội và phong trào thiếu nhi đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho thiếu niên, nhi đồng, Hội đồng Đội tỉnh luôn nỗ lực trong việc không ngừng xây dựng môi trường vui tươi, lành mạnh để các em học tập và rèn luyện.

Một trong những kết quả đáng ghi nhận của Hội đồng Đội các cấp trong thời gian qua có thể kể đến đó chính là thực hiện có hiệu quả phong trào "Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy". Theo đó, các liên đội đã tổ chức đa dạng các hoạt động: Sân khấu hóa, văn nghệ, hái hoa dân chủ, hội thi… để tập hợp, thu hút đội viên tham gia vào các mô hình, phong trào, cuộc vận động như: 100% đội viên thực hiện tốt việc viết "Nhật ký làm theo lời Bác"; duy trì tổ chức cuộc thi "Chúng em kể chuyện Bác Hồ"; thực hiện mô hình "Mỗi tuần một nhân vật lịch sử, mỗi tháng một sự kiện lịch sử"… Bên cạnh đó, các liên đội đã sáng tạo trong việc xây dựng các mô hình và hoạt động có hiệu quả như: Mô hình "Thư viện xanh", “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ”, "Góc trải nghiệm sáng tạo", "Cổng trường an toàn giao thông", phong trào "Nghìn việc tốt", "Đôi bạn cùng tiến"…

Ngoài ra, công tác vận động xã hội hóa các nguồn lực xây dựng các công trình, khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi cũng được các đơn vị tập trung thực hiện. Năm học vừa qua, các cấp bộ Đoàn – Hội trong toàn tỉnh đã xây dựng được 45 điểm vui chơi sinh hoạt thanh thiếu nhi. Trong đó, Hội đồng Đội các cấp tiếp tục triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” trong thiếu nhi, nguồn quỹ thu được từ phong trào đã xây dựng được 28 khu vui chơi; trao tặng 56 bể bơi thông minh, hỗ trợ hơn 10.000 đầu sách cho 30 liên đội trên địa bàn tỉnh, trao tặng 100 tủ sách tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa với tổng số tiền hỗ trợ và giúp đỡ gần 3 tỷ đồng.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.