Multimedia Đọc Báo in

Khi Công đoàn trở thành điểm tựa

08:23, 02/06/2022

Gia đình chị H’Lươm là hộ nghèo ở buôn Yao, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar. Chị là đoàn viên Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty Cổ phần Dương Gia Đắk Lắk.

Cưới nhau đến nay đã có 3 con nhưng vợ chồng chị vẫn phải ở nhờ trong căn chòi dựng tạm của bố mẹ. Gia cảnh nhà chị càng thêm khó khăn từ khi phát hiện người con đầu bị bệnh tiểu đường tuýp 1, thường xuyên phải đi bệnh viện. Vì vậy, anh chị chưa dám nghĩ đến chuyện sửa sang lại căn nhà.

Được hỗ trợ 50 triệu đồng kinh phí xây dựng nhà Mái ấm công đoàn do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh trao trong Tháng Công nhân năm 2022, chị H'Lươm rất xúc động. Chị dự tính: “Ngoài số tiền được hỗ trợ, vợ chồng mình sẽ vay mượn thêm, mua chịu vật liệu xây dựng của đại lý rồi trả dần. Chồng mình phụ hồ và nhờ thêm anh em dòng họ giúp ngày công để xây dựng một căn nhà tươm tất”.

Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Lý trao quà tặng đoàn viên CĐCS Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm Đắk Lắk.

Gần 900 công nhân của Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm Đắk Lắk (Cụm Công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) vui mừng khi CĐCS công ty được thành lập và ra mắt ngay trong Tháng Công nhân năm 2022. Chị H’Yôn Sruk, công nhân bộ phận may ráp bày tỏ: "Công ty mở chi nhánh tại đây nên rất nhiều người có cơ hội việc làm, thu nhập ổn định. Tuy công ty mới hoạt động gần 3 tháng nhưng đã thành lập tổ chức Công đoàn nên người lao động càng yên tâm".

 

Trong Tháng Công nhân năm 2022, toàn tỉnh đã tặng 2.644 suất quà với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 42 nhà Mái ấm công đoàn với tổng số tiền 1,64 tỷ đồng; vận động thành lập và ra mắt 3 CĐCS, kết nạp 943 đoàn viên; phát động đoàn viên, người lao động đóng góp 2.744 sáng kiến (đạt 109,7% chỉ tiêu giao) cho Chương trình “Một triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Mặc dù Ban Chấp hành CĐCS Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm Đắk Lắk còn rất non trẻ, chưa có kinh nghiệm nhưng được sự quan tâm, hướng dẫn của Công đoàn cấp trên nên đã đề ra được chương trình hoạt động với rất nhiều nội dung chăm lo cho người lao động. Không chỉ thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể với những điểm có lợi cho người lao động, Ban Chấp hành CĐCS Công ty còn chú trọng vận động kết nạp đoàn viên, xây dựng quy chế làm việc, nội quy lao động và mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, vận động xây dựng quỹ hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên khó khăn, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí...

Với phương châm hướng về cơ sở, trong Tháng Công nhân năm nay, LĐLĐ huyện Krông Pắc đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp về thực hiện ký kết hợp đồng lao động, phòng, chống cháy nổ, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động và các hoạt động chăm lo đời sống cho công nhân. Đồng thời, LĐLĐ huyện đã vận động thành lập CĐCS, kết nạp đoàn viên, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà Mái ấm công đoàn, tặng 20 suất quà cho đoàn viên khó khăn.

Ngoài LĐLĐ huyện, đoàn viên, người lao động trên địa bàn huyện Krông Pắc còn nhận được sự quan tâm, chăm lo của 135 công đoàn cơ sở, các công ty, doanh nghiệp và LĐLĐ tỉnh. Nhận phần quà trị giá 1 triệu đồng được lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao tặng trong Tháng Công nhân năm 2022, chị Đoàn Thị Tám, công nhân Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thái Bình Dương (xã Ea Yông) rất vui và ấm lòng bởi đối với chị đây thực sự là sự sẻ chia thiết thực và ý nghĩa.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Công Bảo (thứ ba từ phải sang) thăm hỏi tình hình đời sống, việc làm của công nhân Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thái Bình Dương (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc).

Để bảo đảm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã chủ động tổ chức Tháng Công nhân năm 2022 với nhiều hoạt động phù hợp như: tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa chủ doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương và người lao động; biểu dương, tri ân để cảm ơn người lao động; thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà Mái ấm công đoàn; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, các hội thi tay nghề, thi thợ giỏi, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động; các hoạt động kết nối, giới thiệu việc làm...

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.