Multimedia Đọc Báo in

Lại nói về bạo lực gia đình

09:20, 05/06/2022

Trong phiên Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), nữ đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) đã có phát biểu gây "sốt" cộng đồng: “Chồng đi làm về nhà nhưng im lặng suốt, không nói gì cả, hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo; rồi "giận cá chém thớt", giận dỗi vô cớ... cũng là hành vi bạo lực gia đình, làm cho đối tượng bị tác động khủng hoảng về mặt tâm lý".

Thực ra, báo chí hay lẩy ý làm tít chứ không trích hết lời người phát ngôn, nên dư luận cũng không hiểu hết vấn đề. Bà Dung phát biểu như trên nhằm lý giải những hành vi bạo lực gia đình rất rộng. 

Đúng thế. Bạo lực gia đình lâu nay thường được hiểu đơn giản là những tác động về thể chất, tức là những hành vi cố ý xâm hại tính mạng hoặc gây ra thương tích trên cơ thể cho nạn nhân. Song người ta đã thống kê còn vô số hình thức bạo lực như: bạo lực tình dục, tinh thần, kinh tế...

Ở Việt Nam, bạo lực gia đình đang có chiều hướng gia tăng đến mức đáng báo động. Bạo lực không chỉ phát ѕinh ở các gia đình có trình độ học vấn thấp mà còn có ở các gia đình học vấn cao; không chỉ có ở những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn mà còn nảу ѕinh ở những gia đình có thu nhập cao; không chỉ ở những đôi vợ chồng mới kết hôn mà còn ở cả những đôi vợ chồng đã ѕống cùng nhau hàng chục năm; nạn nhân không chỉ là nữ, mà nam cũng nhiều.

Không phủ nhận đằng sau một vụ nghiêm trọng liên quan đến bạo lực gia đình nói chung, bạo lực hôn nhân nói riêng, có bóng dáng đủ thứ áp lực của cuộc sống hiện đại. Chúng ta phải thừa nhận hôn nhân, tình cảm vợ chồng thời buổi này dễ đổ vỡ hơn thời các cụ. “Đạo vợ chồng” được xã hội xưa rất coi trọng. “Phu phụ tương kính như tân”, tức, dù là vợ chồng nhưng vẫn phải luôn tôn trọng nhau như khách đến nhà. Lòng tôn trọng là nền tảng để điều tiết những hành vi không lệch chuẩn giữa hai bên.

Làm thế nào để người ta có thể yêu quý nhau, “tương kính như tân” từ khi tóc xanh cho đến ngày tóc bạc? Đi với nhau gần trọn một đời vẫn cần nhau như cần không khí để thở, vẫn biết ơn nhau như một ân nhân lớn trong cuộc đời... Đó không phải là điều đơn giản. Không còn cách nào khác, ngoài tình yêu và sự tôn trọng nhau, các cặp vợ chồng phải không ngừng hoàn thiện, học hỏi mọi thứ, kể cả học cách yêu thương và đón nhận yêu thương.

Lý thuyết là vậy nhưng thực ra để duy trì được sự bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh không phải là chuyện đơn giản. Cuộc sống bây giờ quá nhiều áp lực, từ gia đình đến cơ quan, xã hội khiến mỗi khi có chuyện không như ý, người ta dễ sử dụng hành vi bạo lực với nhau. Đụng xe trên đường, thay vì hai bên hành xử văn minh, tìm hướng giải quyết thì lại lao vào nhau, đổ lỗi cho nhau trước. Nghỉ lễ, dịp Tết lẽ ra là dịp vui vẻ nhưng "mượn" rượu đánh nhau đến thương tích nhập viện. Bạo lực học đường gia tăng, con cái đánh nhau và nhiều phụ huynh cũng thích “động thủ” cùng con, đến trường livestream, thóa mạ giáo viên, càng khiến sự việc thêm rối.

Trong vô số chuyện dễ bức xúc, để giữ được "cái đầu lạnh" quả là không đơn giản.

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc