“Cơn khát” thuốc, vật tư y tế: S.O.S (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Cần sớm tháo gỡ “điểm nghẽn” thiếu thuốc, vật tư y tế
Trước tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế đang rất “nóng” hiện nay, để đảm bảo quyền lợi của người bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT) cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện các quy định còn vướng mắc trong công tác đấu thầu.
Giải quyết tận gốc vướng mắc
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh công lập ảnh hưởng rất nhiều đến công tác khám chữa bệnh, nhiều máy móc “đắp chiếu” vì thiếu vật tư để vận hành, trong khi người bệnh lại không được sử dụng dịch vụ ngay tại địa phương, phải chuyển tuyến điều trị “bất đắc dĩ”, tốn kém chi phí, gây tâm lý lo lắng, hoang mang.
Theo Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La, để gỡ khó tạm thời tình trạng nói trên, trước mắt Sở tập trung nhân lực, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu thuốc đối với Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương năm 2021 - 2022 để có kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị cung ứng thuốc căn cứ trên các hợp đồng tiếp tục hỗ trợ thuốc trên toàn tuyến tỉnh.
Bên cạnh đó, về lâu dài, Sở cũng đề nghị UBND tỉnh thành lập Trung tâm Đấu thầu thuốc, vật tư y tế tập trung cho toàn ngành riêng biệt thực hiện công tác đấu thầu mua sắm thuốc đối với danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương; xây dựng danh mục thuốc vật tư riêng cho tỉnh trên cơ sở đầu tư trang thiết bị ban đầu; xây dựng một quy chế bảo vệ cũng như hỗ trợ pháp lý, kinh phí cho cán bộ tham gia đấu thầu.
Nếu không sớm tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT. (Trong ảnh: Người bệnh có BHYT khám bệnh tại Trạm Y tế xã Hòa Phú. TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Q.Nhật |
Cũng theo bác sĩ Nay Phi La, trên cơ sở trao đổi ý kiến với Bộ Y tế, tham khảo việc triển khai thực hiện công tác mua thuốc tập trung của các tỉnh lân cận (Gia Lai, Kon Tum), Sở Y tế đã kiến nghị UBND tỉnh giao cho 2 đơn vị có danh mục sử dụng thuốc có thể bao phủ cho toàn tỉnh thực hiện đấu thầu.
Cụ thể, giao Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tổ chức đấu thầu thuốc đối với gói thầu thuốc Generic thuộc Danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương và gói thầu thuốc Generic thuộc danh mục đấu thầu cấp cơ sở cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; giao Bệnh viện Y học cổ truyền tổ chức đấu thầu thuốc đối với gói thầu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền và gói thầu vị thuốc cổ truyền thuộc Danh mục đấu thầu cấp cơ sở cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh, thời gian qua, Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để triển khai đồng bộ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Đồng thời, Bộ Y tế đã trình Chính phủ, Quốc hội các dự thảo luật để sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Dược và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là quy định về quản lý giá thuốc theo hướng tập trung hậu kiểm, áp dụng cơ chế kê khai giá đối với các nhóm thuốc cần kiểm soát chặt chẽ về giá như các thuốc trị giá lớn, ít cạnh tranh, có nguy cơ độc quyền trên thị trường; triển khai hiệu quả Nghị định số 91/2021/NĐ-CP ngày 21/10/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế. Đồng thời hoàn thiện, ban hành thông tư quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Nghị định này; xây dựng, trình ban hành Nghị định về liên doanh, liên kết, xã hội hóa và Nghị định đấu thầu trong lĩnh vực y tế.
Một trường hợp mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, trước mắt Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, trên cơ sở đó chủ động, tích cực xử lý, ban hành các văn bản theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền, chỉ rõ các nội dung vướng mắc, nằm ở đâu, ai giải quyết?
Bộ Y tế rà soát, cùng các cơ quan tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về đấu thầu tập trung tại Trung ương và địa phương, nếu có vướng mắc thì tham khảo ý kiến các bộ, ngành, bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ cho các cơ sở y tế, trên tinh thần công khai, minh bạch, rõ ràng, chống tiêu cực.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước tại các đơn vị liên quan tới lĩnh vực dược, bảo đảm không chậm trễ cấp phép thuốc, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, trên tinh thần "bảo đảm an toàn cho người dân, người bệnh là trên hết, trước hết", theo các quy luật của cơ chế thị trường, góp phần giảm chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm; đẩy mạnh phân cấp mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế trên cơ sở ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát; quy định rõ ràng, minh bạch danh mục mua sắm tập trung và mua sắm phân cấp để các cấp, các đơn vị liên quan dễ thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Y tế xem xét, bổ sung các văn bản, quy định liên quan theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, như quy định về đấu thầu, giá cả…, hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ để người thực hiện yên tâm, khuyến khích người dám nghĩ dám làm và xử lý nghiêm người trục lợi; vận dụng hết công cụ quản lý giá để phục vụ mua sắm, đấu thầu và chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc