Multimedia Đọc Báo in

Đạo hiếu mùa Vu Lan

08:45, 13/08/2022

Vu Lan, mùa báo hiếu là dịp để mỗi người được sống chậm, để yêu thương, gắn kết tình cảm với nhau và thể hiện lòng thành kính với bậc cha mẹ, đấng sinh thành.

Như thường lệ, ngay từ những ngày đầu tháng 7 âm lịch, các nhà chùa trên địa bàn tỉnh luôn chuẩn bị sẵn hương, đăng cho phật tử đến lễ Phật và tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống, các buổi thuyết giảng Phật pháp để bà con về tham gia; qua đó, giúp người dân được hiểu rõ hơn về nguồn gốc ngày lễ Vu Lan và nét đẹp văn hóa từ đại lễ này.

Theo Thượng tọa Thích Hải Định, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo tỉnh, Trụ trì chùa Hoa Lâm (TP. Buôn Ma Thuột), Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo mà đã trở thành một nét văn hóa đẹp, truyền thống đạo đức, thấm sâu trong tâm thức của người con đất Việt.

Đại đức Thích Hải Định, Trụ trì chùa Hoa Lâm cùng phật tử thắp nến tri ân ngày lễ Vu Lan. Ảnh do chùa Hoa Lâm cung cấp

Gia đình là nền tảng của xã hội, còn chữ hiếu là nền tảng của đạo đức. Để xây dựng gia đình hạnh phúc, an vui thì chữ hiếu phải được đặt lên đầu. Không ai yêu con bằng cha mẹ, cũng không một ai có thể hy sinh cả về thể chất và tinh thần cho con như bố mẹ. Chính vì vậy, phận làm con phải hiểu rõ tình thương ấy để đền ơn đáp nghĩa, để hiếu thuận. Hơn thế, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chữ hiếu càng đóng vai trò quan trọng. Trong xã hội, một số gia đình xảy ra mâu thuẫn giữa anh em, con cái với cha mẹ…, những điều đó khiến các đấng sinh thành rất đau lòng. Chính vì vậy, chữ hiếu càng cần được hiểu và thể hiện rõ hơn.

 

Tinh thần hiếu thảo trong mùa Vu Lan nhắc nhớ con cái hãy sống có hiếu đạo hơn để đáp đền tình thương bao la rộng lớn của cha mẹ, những người dành cả cuộc đời mình cho con cái.

Tại chùa Hoa Lâm, trong đại lễ Vu Lan năm nay, nhiều nghi lễ được tổ chức như dâng hoa cúng dường, nghe thuyết giảng “Vu Lan mùa hiếu hạnh”, thắp nến tri ân… Trong đó, nghi lễ cài hoa hồng tưởng niệm được diễn ra trong không khí vô cùng trang trọng và xúc động, nhắc nhở con người về công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, về tình mẫu tử thiêng liêng. Nếu ai còn mẹ sẽ được cài một bông hồng màu đỏ trên áo và tự hào là mình vẫn còn mẹ. Nếu ai đã mất mẹ sẽ được cài lên ngực một bông hồng trắng để nhớ đến công sinh thành, giáo dưỡng. Nghi lễ tuy giản đơn nhưng luôn để lại nhiều cảm xúc trong lòng mỗi người tham gia. Chị Đỗ Thị Lan (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) luôn bồi hồi xúc động những ngày tháng 7 về, cài lên áo bông hồng màu đỏ chị hạnh phúc vì mình vẫn còn có mẹ. Chị không quên nhắn nhủ những ai may mắn được cài bông hồng đỏ trên ngực phải luôn hiếu thảo với cha mẹ, không bao giờ quên ơn đức của đấng sinh thành và phải giữ gìn tình cảm gia đình đầm ấm, anh em trên thuận dưới hòa. Bà Nguyễn Thị Hương (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay: “Năm ngoái, vào thời điểm này vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19. Năm nay đã trở lại bình thường, tôi cảm thấy rất vui, hạnh phúc và càng trân trọng hiện tại. Vào lễ Vu Lan, tôi dành nhiều thời gian để gần gũi con cháu, chỉ dạy những điều hay, lẽ phải và cùng người thân, bạn bè tham gia nhiều hơn các hoạt động thiện nguyện, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống”.

Lễ thắp nến tri ân tại chùa Hoa Lâm (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh do chùa Hoa Lâm cung cấp

Tinh thần nhân văn của mùa Vu Lan, báo hiếu rất phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc về thờ cúng ông bà, tổ tiên, xây dựng các giá trị gia đình truyền thống bền vững. Ngày nay, lễ Vu Lan còn mang tính xã hội rộng rãi trong cuộc sống của người Việt, là mùa không chỉ báo ân, báo hiếu đối với cha mẹ, mà còn là dịp để bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến thầy cô giáo; tri ân các bậc tiền bối đã dựng xây đất nước, các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và tri ân chính con người…

Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.