Multimedia Đọc Báo in

Dồn sức khắc phục hậu quả mưa lũ

07:51, 18/08/2022

Do mưa lớn kéo dài, nước lên nhanh khiến ngập úng trên diện rộng, gây nhiều thiệt hại đến diện tích lúa đang vào vụ thu hoạch của bà con ở nhiều địa phương. Trước thực trạng đó, huyện Krông Ana đã chủ động triển khai các phương án ứng phó, kịp thời khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Nhiều diện tích lúa bị ngập úng, thiệt hại

Liên tục những ngày qua, hàng trăm người dân ở các địa phương tại huyện Krông Ana đã tích cực đắp đê, ngăn dòng nước lũ từ thượng nguồn đổ về để cứu cánh đồng lúa chuẩn bị tới ngày thu hoạch. Tính đến sáng 17/8, toàn huyện có hơn 289 ha lúa nước bị ngập lụt. Trong đó xã Quảng Điền có hơn 100 ha bị ngập, xã Bình Hòa 114 ha, xã Dur Kmăl hơn 60 ha và thị trấn Buôn Trấp 15,4 ha.

Nông dân gặt lúa tại khu vực ruộng đã ngập sâu.

Vụ hè thu năm nay, gia đình chị Hồ Thị Phố (đội 8, thôn 1, xã Quảng Điền) gieo trồng được 1,2 ha lúa. Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa, diện tích lúa sẽ vào vụ thu hoạch. Thế nhưng, do mưa lớn trong những ngày qua, nước dâng nhanh đã nhấn chìm hơn 6 sào lúa của gia đình. “Lúa đang giai đoạn trổ chín sắp đến thu hoạch thì mưa lớn nhiều ngày làm đổ sập, giờ lại ngập sâu trong nước coi như mất trắng, số diện tích còn lại gia đình cố gắng thuê nhân công để gặt sớm chạy lũ”, chị Phố bày tỏ.

Nước ngập liên tục nhiều ngày đã làm cho người dân ở xã Bình Hòa đứng ngồi không yên khi nhìn ruộng lúa gục ngã trong dòng nước lũ. Ông Võ Văn Lưỡng (đội 1, thôn 1) vô cùng nóng ruột khi thấy 1,6 ha lúa cứ mỗi lúc lại ngập sâu trong nước. Ông Lưỡng chia sẻ: “Mặc dù lúa mới chín đạt 30%, nhưng tôi phải huy động toàn bộ nhân lực để gặt chạy lũ với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Tuy nhiên do nước lên nhanh, gia đình chỉ gặt được 50% diện tích, số còn lại đã ngập sâu trong nước nên đành bỏ cuộc. Hy vọng nước rút sớm để gia đình có thể vớt vát thêm vài phần”.

Cũng đang huy động toàn bộ nhân lực gặt hơn 1 ha lúa của gia đình, ông Lê Văn Năm (đội 1, thôn 1) buồn bã nói: “Nếu thời tiết thuận lợi dự kiến vụ mùa này lúa có thể đạt năng suất từ 8 - 9 tạ/sào; giờ gặt sớm, lúa vẫn còn xanh nên thu được chẳng là bao. Hiện tại các vùng ngập và có nguy cơ ngập sâu, lúa chưa chín hết nhưng nông dân đành phải gặt, vì nếu bị ngập dài ngày trong nước, hạt lúa sẽ nảy mầm, bao mồ hôi công sức và thành quả lao động của bà con nông dân sẽ mất trắng. Hơn nữa vào thời điểm này, ruộng bị ngập, máy gặt đập liên hợp không thể hoạt động được, nhà nông đành phải thuê người cắt lúa thủ công với chi phí tăng gấp 2 - 3 lần so với thu hoạch bằng máy. Xem ra, vụ lúa này nông dân phải chịu lỗ nhiều”.

Lãnh đạo huyện Kr ông Ana chỉ đạo công tác phòng chống lụt

Chủ động ứng phó, khắc phục

Trước tình hình ngập lụt xảy ra trên địa bàn, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Ana đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT huyện thông tin tình hình mưa lũ trực tiếp cho cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai các xã, thị trấn; giám đốc các hợp tác xã, tổ trưởng các tổ hợp tác chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống kịp thời, hạn chế thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp do ngập lụt gây ra.

Tính đến thời điểm này, xã Quảng Điền là một trong những địa phương có diện tích lúa bị ngập sâu lớn và có một vị trí trên hệ thống đê bao Quảng Điền bị rò rỉ nước đoạn qua khu vực cánh đồng A. Trước tình hình đó, không kể đêm hay ngày, hàng trăm người dân các địa phương đã "lập trận địa" ngay trên các tuyến đê xung yếu, trọng điểm để cứu lúa. Mặt khác, xã cũng chỉ đạo các hợp tác xã sử dụng nhiều máy bơm để bơm nước chống úng. Nhiều giải pháp đã được đề ra, mục tiêu của địa phương là cố gắng hết sức để lúa trong đê bao không bị ngập úng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ông Lê Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Quảng Điền cho biết: “Vụ hè thu năm 2022, địa phương gieo trồng hơn 1.000 ha lúa nước, đến nay đã có hơn 100 ha bị ngập, trong đó  trên 20 ha bị thiệt hại hoàn toàn. Để cứu lúa, chính quyền địa phương đã huy động toàn bộ lực lượng dân quân, công an, đoàn viên thanh niên và bà con nhân dân ngày đêm tham gia vận chuyển đất gia cố đê bao. Đối với những khu vực trũng, mới bị ngập thì xã đã vận động người dân tiến hành thu hoạch sớm”.

Người dân xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) gia cố những đoạn đê thấp ngăn nước tràn qua.

Tại xã Bình Hòa, chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo các hợp tác xã sử dụng 4 bơm điện và huy động người dân sử dụng 8 máy bơm cục bộ để bơm chống úng; đắp 4 km bờ bao ngăn nước tràn vào các diện tích sản xuất lúa của người dân ở cánh đồng trên địa bàn. Đồng thời hướng dẫn người dân chủ động thu hoạch khoảng 10 ha lúa nước ở khu vực nằm ngoài đê bao và có khả năng ngập lụt, gây thiệt hại.

Hiện nay, dù đã ngừng mưa nhưng mực nước vẫn chưa giảm, UBND huyện Krông Ana chỉ đạo các địa phương không được chủ quan, luôn phải chủ động trong công tác phòng, chống bão lũ. UBND các xã, thị trấn phải trực tiếp đến hiện trường nơi xảy ra ngập lụt, chủ động chuẩn bị phương tiện, vật tư và lực lượng xung kích tại cơ sở đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng huy động giúp người dân ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Ngoài ra, đối với khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, các địa phương phải tổ chức kiểm tra, rà soát nhà ở an toàn; sẵn sàng phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó lũ lụt, các biện pháp đảm bảo an toàn khi xảy lũ lụt; bảo vệ an toàn về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.