Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui nhỏ của cô bé mắc bệnh xương thủy tinh

08:14, 22/09/2022

Em H Mương Mlô (dân tộc Êđê, SN 2012), hộ khẩu thường trú số 01 đường D7, buôn Jù (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) bị bệnh xương thủy tinh từ nhỏ.

Lúc 5 tuổi ông bà ngoại đưa em đi bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh để thăm khám, điều trị bằng phương pháp chỉnh hình nẹp bột…, nhưng chân của H Mương đã bị gãy tái phát không dưới vài lần, hiện nay không đi lại được. Mọi sinh hoạt hằng ngày của em đều phải phụ thuộc vào người khác. Dẫu đã 10 tuổi nhưng do mang trong mình căn bệnh xương dễ gãy nên H Mương trông bé nhỏ so với trẻ cùng trang lứa, hai chân teo tóp.

Hoàn cảnh của em H Mương rất đáng thương, bố mẹ ly hôn khi em chưa tròn 3 tuổi. Em được ông bà ngoại chăm nuôi. Nhưng điều kiện kinh tế của ông bà ngoại cũng chẳng khấm khá gì. Hằng ngày, ông ngoại em đi làm thuê, còn bà ngoại đi chăn bò. H Mương ít có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, vì vậy mà khả năng nói tiếng phổ thông của em hạn chế, tính cách rụt rè, nhút nhát, ngại tiếp xúc với người lạ.

Ước mơ có chiếc xe lăn của em H Mương đã thành hiện thực.

Mong muốn của ông bà ngoại H Mương là có được một chiếc xe lăn để những lúc rảnh rỗi đưa em đi dạo, để em được giao lưu với các bạn cùng trang lứa, gặp gỡ với hàng xóm và có thể đi học trở lại. Được biết, em H Mương đã học đến lớp Lá, nhưng nhằm hạn chế thấp nhất việc bị gãy xương chân trong quá trình đi lại nên ông bà ngoại đành cho em nghỉ học.

Thương hoàn cảnh của em, sáng 21/9 Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đến thăm hỏi, trao tặng em H Mương chiếc xe lăn, quần áo mới và nhu yếu phẩm. Suốt buổi trao xe lăn và quà em H Mương không nói bất cứ câu gì dẫu các thành viên trong Đoàn trao quà hỏi chuyện, nhưng em nở nụ cười thật tươi, ánh mắt ngời sáng khi được bồng đặt ngồi trên chiếc xe lăn mới.

Ông ngoại H Mương xúc động nói: "Gia đình rất biết ơn các tấm lòng hảo tâm. Ước mơ của gia đình chúng tôi đã thành hiện thực. Gia đình không mong nhận được sự giúp đỡ hơn nữa vì còn nhiều trường hợp đáng thương cần sự giúp đỡ của các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm".

Ân Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.