Chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ
Ngay sau khi xuất hiện ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại huyện Cư M’gar, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã phối hợp cùng ngành y tế chủ động triển khai các giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh, sẵn sàng các phương án cho tình huống phát sinh ca bệnh tại địa bàn.
Khẩn trương khoanh vùng, điều tra dịch tễ
Trở về sau chuyến du lịch ở đất nước Nam Phi, phát hiện cơ thể có các biểu hiện, triệu chứng nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ, bệnh nhân N.V.P. (nam, SN 1963, trú tổ dân phố 2, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) đã thực hiện khai báo y tế và tự cách ly tại nhà.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, ngành y tế đã nhanh chóng điều tra, xác minh trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tư vấn cho bệnh nhân cùng người nhà thực hiện việc cách ly y tế và truyền thông kiến thức phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ cho gia đình, cộng đồng xung quanh. Đồng thời, lấy mẫu dịch từ vết tổn thương mụn đỏ trên da và ngoáy họng của bệnh nhân gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên làm xét nghiệm.
Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra, khảo sát khu vực điều trị bệnh đậu mùa khỉ tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Ông Y Wem HWing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, qua theo dõi, bệnh nhân P. hiện khỏe mạnh, không sốt, có triệu chứng đau mỏi các khớp toàn thân, nổi nhiều mụn đỏ ở bụng và lưng. Những trường hợp tiếp xúc gần chưa có biểu hiện bất thường khác. UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của người bệnh và những người tiếp xúc gần. Kịp thời thông tin ca bệnh, xử lý tình huống dịch bảo đảm đúng quy định đối với ca bệnh nghi ngờ. Đồng thời khẩn trương khoanh vùng, điều tra dịch tễ, rà soát những người tiếp xúc bệnh nhân để hướng dẫn thực hiện cách ly theo dõi sức khỏe để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh diện rộng khi có tình huống phát sinh.
Đến nay, UBND huyện Cư M’gar cũng đã ban hành phương án hành động tạm thời phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn huyện. Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị kế hoạch, phương án, nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất... để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch đậu mùa khỉ. Thiết lập đường dây nóng, nơi tiếp nhận thông tin để tư vấn, hỗ trợ người dân về bệnh đậu mùa khỉ, tránh tâm lý hoang mang, lo lắng trước những thông tin trái chiều về dịch bệnh.
Sẵn sàng các phương án ứng phó
Trước cảnh báo về nguy cơ lây lan dịch bệnh đậu mùa khỉ của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế, UBND tỉnh đã quán triệt tinh thần “sớm một bước, cao hơn một bước” đến các cơ quan, đơn vị, địa phương để chủ động tham gia cùng ngành y tế kiểm soát và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, không để xảy ra dịch chồng dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng sớm ban hành phương án hành động tạm thời phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh với 3 tình huống cấp độ nhằm phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, hạn chế tử vong đến mức thấp nhất, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, xã hội chung của tỉnh.
Huyện Cư M'gar khử khuẩn môi trường tại khu vực dân cư. |
Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, sau khi Việt Nam ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh, ngành y tế tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành phương án hành động tạm thời phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Đồng thời tiến hành tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế ở cả khối điều trị và dự phòng, lên kịch bản ứng phó và tổ chức giám sát tại các khu vực đường mòn, lối mở, đường biên giới. Các bệnh viện cũng đã chủ động trong chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế và nhân lực, sẵn sàng tổ chức khám sàng lọc, phân luồng, cách ly và thu dung, điều trị trong trường hợp phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ. Cùng với đó, tăng cường truyền thông bằng các hình thức phù hợp, linh hoạt để người dân trên địa bàn có nhận thức đúng về bệnh đậu mùa khỉ, từ đó thực hiện các biện pháp phòng tránh đối với dịch bệnh này.
Trước việc ghi nhận một trường hợp bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng và các yếu tố dịch tễ phù hợp chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế cũng đã có công văn khẩn chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tổ chức rà soát, các trường hợp đến địa phương có yếu tố dịch tễ bệnh đậu mùa khỉ. Duy trì các đội phản ứng nhanh tại đơn vị và các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; triển khai thực hiện phương án phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ tại địa phương. Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng về trang thiết bị và hậu cần để đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch. Riêng Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar, Sở Y tế yêu cầu tiếp tục giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh tại địa phương, tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ và phối hợp các cơ quan, đoàn thể liên quan có hướng xử lý kịp thời không để dịch bệnh bùng phát ra cộng đồng.
Cũng theo bác sĩ Lê Phúc, triệu chứng chính của bệnh đậu mùa khỉ là phát ban dạng phỏng nước, mụn mủ, sốt, sưng hạch; bệnh có khả năng lây truyền từ động vật sang người hoặc người sang người qua tổn thương da, giọt bắn lớn đường hô hấp, dịch cơ thể hoặc vật dụng, quần áo nhiễm mầm bệnh… Khi phát hiện triệu chứng mắc bệnh đậu mùa khỉ hoặc có yếu tố dịch tễ đi từ vùng dịch về hoặc có tiếp xúc gần với người bệnh, người dân nên báo ngay cho các đơn vị y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ, tránh nguy cơ lây lan và bùng phát thành đại dịch.
Ngày 3/11/2022, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) gửi Công văn số 1223/DP-DT đề nghị Sở Y tế Đắk Lắk tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh. Trong đó chỉ đạo triển khai ngay một số hoạt động: tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để xét nghiệm chẩn đoán; cách ly, điều trị trường hợp nghi ngờ, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị; khẩn trương thực hiện điều tra các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ trong quá trình đi du lịch ở nước ngoài và tại Việt Nam, tổ chức quản lý, theo dõi sức khỏe và xử lý kịp thời ổ dịch (nếu có) không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng… |
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc