Multimedia Đọc Báo in

Những cô giáo có tấm lòng nhân ái

08:20, 17/11/2022

Công tác tại địa bàn vùng sâu vùng xa của huyện Krông Bông nơi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, không ít những cảnh đời khốn khó, nhiều thầy cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn nhiệt thành kết nối với những có tấm lòng thiện nguyện để giúp đỡ những hoàn cảnh bất hạnh.

Nhủ lòng phải làm gì đó để giúp các em học sinh khó khăn yên tâm học tập, tháng 7/2019, cô Nguyễn Thị Chung, giáo viên Trường THCS Hòa Phong (xã Hòa Phong) đã thông qua Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Bông đứng ra vận động thành lập nhóm thiện nguyện với tên gọi “Hiểu và Thương”.

Từ chỗ chỉ có 2 thành viên, đến nay nhóm thiện nguyện phát triển lên 19 thành viên, trong đó có 9 thành viên là giáo viên, viên chức các trường như: cô Nguyễn Thị Chung, cô Lê Thị Kim Liên (nhân viên y tế Trường THCS Hòa Phong), cô Trần Thị Yến (giáo viên Trường Mẫu giáo Cư Pui), cô Trần Thị Hồng Nhung, cô Ngô Thanh Tú, cô Lý Phương Thảo (Trường THCS Cư Pui), cô Trần Thị Túy Phượng (Trường THCS & Tiểu học Hòa Lễ)…

Các thành viên trong nhóm thiện nguyện tặng xe đạp và hỗ trợ tiền cho gia đình có 2 con bị xương thủy tinh .

Ban đầu, các cô tự đóng góp kinh phí làm từ thiện bằng chính tiền lương ít ỏi của mình; sau này nhóm kêu gọi, vận động quyên góp từ những cá nhân, tập thể có lòng hảo tâm. Số tiền quyên góp cũng như chi phí thực hiện sau mỗi hoạt động đều được công khai, minh bạch trên trang Facebook; nhóm chỉ đóng vai trò là “cầu nối”, kinh phí đều được chuyển trực tiếp đến địa chỉ hoặc vào tài khoản của gia đình người được thụ hưởng. Nhờ vậy, trong những năm qua, nhóm thiện nguyện “Hiểu và Thương” đã tổ chức nhiều chương trình mang ý nghĩa sâu sắc, giúp đỡ nhiều học sinh nghèo trên địa bàn huyện Krông Bông tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ đến trường như: Tặng xe đạp, trao học bổng, tiếp bước đường dài cho học sinh nghèo, tặng sách giáo khoa, tập vở, áo ấm… với tổng giá trị hơn 488 triệu đồng.

Năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều nơi, dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhóm “Hiểu và Thương” vẫn bền bỉ, kiên trì với những hoạt động thiện nguyện. Nhóm đã vận động 2 đợt được 3 tấn rau củ quả, trị giá 20 triệu đồng hỗ trợ bà con vùng dịch ở TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương; hỗ trợ người dân bị cách ly trên địa bàn huyện 3 đợt, với số tiền hơn 124,8 triệu đồng. Đồng thời, trao tặng 6.410 kg gạo cho học sinh 4 trường trong huyện trị giá hơn 76,9 triệu đồng; hỗ trợ 1.000 ly sữa cho trẻ em vùng cách ly trị giá hơn 13,7 triệu đồng; hỗ trợ 36 ca bệnh nặng điều trị tuyến tỉnh và huyện trị giá hơn 245,7 triệu đồng.

Đặc biết, trong 3 năm qua, nhóm đã vận động kịp thời sẻ chia, tương trợ cho hàng chục mảnh đời bất hạnh, gặp hoàn cảnh ngặt nghèo với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Như gia đình chị H’Bê Mkang (dân tộc M’nông, ở buôn Cư Drăm, xã Cư Drăm) thuộc diện hộ nghèo. Tháng 3/2022, chồng chị là Y Nơ Mdrang đi làm công nhân ở Tây Ninh đột quỵ qua đời, mọi chi phí thuê xe vận chuyển thi thể về nhà và chôn cất đều không có. Giữa lúc quẫn bách thì gia đình chị được nhóm “Hiểu và Thương” quyên góp trao tặng hơn 43 triệu đồng. Chị H’Bê xúc động: “Sự hỗ trợ kịp thời đã giúp gia đình tôi vượt qua lúc khó khăn ấy, tôi rất biết ơn các cô giáo trong nhóm thiện nguyện”. Hay như trường hợp gia đình ông Dương Văn Tu (ở thôn Ea Hlang, xã Cư Pui) nghèo túng, đông con. Mới đây khi vợ ông là Hoàng Thị Chậu sinh đứa thứ 8 bị băng huyết tử vong, để lại đứa con đỏ hỏn không sữa bú. Trước tình cảnh ấy, các cô giáo trong nhóm “Hiểu và Thương” đã vận động quyên góp hỗ trợ gia đình ông Tu hơn 11 triệu đồng để ông chôn cất vợ và có tiền mua sữa cho con…

Trao số tiền hỗ trợ mai táng cho gia đình bà Lê Thị Cho ở xã Hòa Lễ.

Hay trường hợp gia đình ông Y Mơi Êban (dân tộc Êđê, ở buôn Tliêr, xã Hòa Phong) có 3 người con thì 2 người bị bệnh xương thủy tinh. Các cô giáo đã hỗ trợ cho con ông Y Mơi là em Y Quê Niê toàn bộ sách vở, đồ dùng học tập trong các năm học, tặng gia đình một chiếc xe đạp để chở em đi học, đồng thời hỗ trợ 11 triệu đồng để điều trị cho người em của Y Quê cũng mắc bệnh xương thủy tinh…

Và còn rất nhiều gia đình khác không có tiền mai táng cho người thân, được các cô giáo và thành viên nhóm thiện nguyện vận động giúp đỡ lên đến 50 triệu đồng, thậm chí có gia đình được hỗ trợ trên 100 triệu đồng…

Điều đáng trân trọng là các cô giáo trong nhóm thiện nguyện “Hiểu và Thương” làm việc thiện với sự khiêm tốn, lặng lẽ, bằng cả tấm lòng. Cô Nguyễn Thị Chung tâm sự: Những thành viên trong nhóm đều tâm niệm và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Phải xuất phát từ lòng yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được giảm bớt đau thương cho họ”.

                       Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.