Multimedia Đọc Báo in

Chắt chiu từ... rác

16:35, 26/12/2022

Hơn 23 giờ đêm, dòng người đã thưa thớt dần, dưới ánh đèn đường le lói, vợ chồng bà Nguyễn Thị Nga (73 tuổi, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn cặm cụi tìm kiếm những thứ có thể bán được mà người ta bỏ đi ở các thùng rác trên đường Lê Duẩn.

Giữa trời đêm giá lạnh, đôi tay bà Nga vẫn thoăn thoắt kiểm tra hết túi rác này, đến thùng rác khác, nhặt từng túi ni lông, giấy, chai nhựa… rồi rũ bụi bẩn và phân loại riêng từng thứ trong mỗi chiếc túi đặt bên cạnh mình. Ông Lê Vân Ty (chồng bà Nga) thì lom khom dồn những túi rác “thương phẩm” đã tìm được, chất đầy lên chiếc xe máy để chuẩn bị chở về nhà. Trung bình mỗi ngày vợ chồng bà kiếm được 150.000 – 200.000 đồng (tùy vào giá cả từng thời điểm) từ công việc này. Thu nhập ít ỏi, dù không đủ trang trải cuộc sống nhưng cũng đã nuôi sống gia đình bà bốn năm nay.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Nga (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) kiếm thu nhập từ việc lượn nhặt phế liệu ở các túi rác.

Khi được hỏi về hoàn cảnh của mình, bà Nga rưng rưng nước mắt nói: “Có lẽ chẳng ai muốn vất vả sớm tối còng lưng, moi móc từng bao rác cả, nhưng do tuổi cao, sức yếu, xin làm thuê, cuốc mướn thì không ai nhận. Cũng may nhờ trời thương nên hai vợ chồng còn có sức khỏe làm việc, chắt chiu từng đồng để chăm lo cho đứa con trai (43 tuổi) bị suy thận giai đoạn cuối. Vậy mới có thể cáng đáng nổi tiền thuốc cho con mỗi tháng hơn 1 triệu đồng, chưa kể tuần nào cũng phải đưa con đi chạy thận hai lần tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Nên dù công việc vất vả, thu nhập chẳng đáng là bao, nhưng vợ chồng luôn động viên nhau cố gắng để làm chỗ dựa cho con vượt qua bệnh tật”. Áp lực cơm áo, gạo tiền đè nặng lên vai, nên bất kể nắng hay mưa, cứ 3 giờ chiều hằng ngày, bà Nga lại ăn vội chén cơm dằn bụng rồi nhanh chóng đạp chiếc xe cũ kỹ, lê la đến từng ngõ ngách ở phường Ea Tam, cặm cụi làm việc đến 12 giờ đêm mới trở về nhà trong sự mệt mỏi, tay chân đã rã rời.

Lục lọi những thùng rác cũng là công việc kiếm sống hằng ngày của gia đình bà Đặng Thị Yên (60 tuổi, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột). Trước đây, bà Yên cùng chồng bán cá, tôm ở chợ trên địa bàn phường Tân Thành, tuy nhiên dịch COVID-19 ập đến, việc buôn bán trở nên ế ẩm, kinh tế gia đình càng khó khăn. Không có thu nhập để trang trải cuộc sống và trả tiền thuê nhà ở hằng tháng, bà Yên đã đạp xe đi lang thang trong thành phố và nhặt nhạnh nhôm nhựa ven đường. Rồi dần dà bắt chuyện, hỏi han những người đi trước. May mắn, bà được họ “truyền nghề” và cho lại "mối" tại các quán ăn, cà phê, trà sữa… để tìm những thứ bán được từ các bao rác ở đây. Cứ thế, vợ chồng bà đã gắn bó với công việc này đến hôm nay. Thường ngày, công việc của vợ chồng bà bắt đầu từ 7 giờ tối và kết thúc vào 12 giờ đêm. Những thứ gom được cũng chỉ có giá từ 2.000 – 4.000 đồng/kg, nhưng cũng giúp gia đình bà có thu nhập hơn 100.000 đồng/ngày; dịp lễ, Tết thì kiếm được 200.000 đồng/ngày. Những thứ gom được từ tối đều có người đến nhà thu mua ngay sáng hôm sau, nên rất thuận lợi.

Bà Đặng Thị Yên (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) nhặt nhạnh ở các túi rác.

Bà Yên tâm tình, công việc này vất vả nhất vào ngày gió thổi mạnh, phải một tay nhặt, một tay giữ miệng túi không để rác bay tung tóe, nên mất nhiều thời gian và công sức. Ngày nào làm không xong, vợ chồng bà phải chở hết các túi rác về nhà đổ ra để tiếp tục cặm cụi phân loại. Mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày của gia đình đều dựa vào nguồn thu nhập này, nên dù có ốm đau cũng phải cố gắng làm việc, không dám bỏ lỡ ngày nào. Đặc biệt vào những ngày lễ, Tết, các quán buôn bán đông đúc, lượng rác thải nhiều, vì thế, vợ chồng càng phải cật lực đi làm cả ngày lẫn đêm.

Những thứ tưởng chừng bỏ đi mà người ta gọi là rác nhưng những cảnh đời khốn khó vẫn hằng ngày miệt mài lục tìm cho riêng mình để mưu sinh cùng mong ước về những điều tốt đẹp.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.