Multimedia Đọc Báo in

Cư Elang mùa xuân đến sớm

08:49, 01/01/2023

Được Đảng, Nhà nước và địa phương quan tâm, đầu tư, hỗ trợ, đến nay hơn 200 hộ đồng bào Mông từ xã Cư San (huyện M’Drắk) thuộc dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng di dời đến khu tái định cư (KTĐC) số 1 thôn Yang San, xã Cư Elang (huyện Ea Kar) đã từng bước ổn định cuộc sống. Đồng bào phấn khởi chào đón mùa xuân thứ hai nơi quê hương mới đủ đầy, ấm áp hơn.

Gia đình anh Ma Văn Cường là một trong những hộ đầu tiên ở vùng lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng chuyển đến KTĐC số 1, xã Cư Elang. Sau gần 2 năm di dời, cuộc sống của gia đình trên quê hương mới về cơ bản rất thuận lợi. Căn nhà vừa là cửa hàng tạp hóa của gia đình anh Cường rộng 400 m2, được xây dựng ở khu vực rộng rãi, gần trung tâm xã, có đường bê tông, hệ thống điện, nước sạch đến tận nơi.

Lúc nhận tin phải chuyển đi nơi ở mới, anh Cường cũng trăn trở và lo lắng vô cùng, nhưng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, anh vận động người thân đồng ý chuyển nhà, nhường đất thực hiện dự án. Về nơi ở mới, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cùng số tiền đền bù giải phóng mặt bằng, anh đầu tư kinh doanh sân đá bóng mini, mở cửa hàng tạp hóa, trồng lúa nước. Đến nay, cuộc sống cơ bản ổn định, thu nhập cũng ngày một khá hơn, hứa hẹn một mùa xuân no ấm trên quê hương mới.

Những ngôi nhà mới xây gấp rút hoàn thành để bà con kịp đón Tết.

Canh tác ngay trên cánh đồng được cấp gần nhà, anh Sùng Seo Vặng đang tập trung chăm sóc, tỉa, dặm cho vụ lúa nước đông xuân 2022 - 2023. Anh Vặng chia sẻ: Trước đây ở nơi ở cũ, gia đình anh ở sâu trong một con ngõ nhỏ, đường sá chật hẹp, lầy lội; vào mùa mưa, nước ngập lên nửa nhà. Bây giờ khác rồi. Ở đây có điện, nước sinh hoạt được Nhà nước hỗ trợ, đưa đến tận nhà. Phấn khởi hơn là ruộng lúa gần 5 sào là nguồn thu nhập chính của gia đình anh gần nhà, gần đường, hệ thống kênh mương thuận tiện, nước chảy quanh năm. Định cư hơn 1 năm, anh Vặng đã sạ được 3 vụ lúa, mỗi vụ thu hơn 4 tấn. Căn nhà mới xây khang trang, sạch đẹp, rộng hơn 250 m2 là nơi anh đón cái Tết đầu tiên trên quê hương mới.

KTĐC số 1 thôn Yang San có quy mô khoảng 300 hộ dân. Đến thời điểm hiện tại, thôn có 245 hộ dân, 1.144 khẩu; trong đó có 217 hộ từ các thôn 9, 10, 11 của xã Cư San, huyện M’Drắk đến định cư.

Mỗi hộ dân đến khu tái định cư được bố trí 1,1 ha đất (gồm 1 sào đất vườn, trong đó có 400 m2 đất ở, 600 m2 đất vườn; 5 sào đất trồng hoa màu và 5 sào đất canh tác lúa nước 2 vụ). Song song với việc bố trí đất ở, canh tác, chính quyền còn đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, đảm bảo điều kiện tốt cho người dân sinh sống.

Sân bóng đá mini của gia đình anh Ma Văn Cường (bìa phải).

Để tạo điều kiện cho người dân vùng tái định cư ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo, UBND xã Cư Elang chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể luân phiên cắt cử cán bộ xuống tận thôn phối hợp với ban tự quản khảo sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và hướng dẫn người dân cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cách chăm sóc, phòng chống bệnh trong chăn nuôi, trồng trọt, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nông nghiệp; vận dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, giúp các hộ dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, để phát triển kinh tế. Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, nhiều hộ dân trong thôn đã biết làm thêm các dịch vụ, hàng hóa, tận dụng các diện tích sườn đồi để trồng cây công nghiệp, nâng cao thu nhập…

Những ngày này, trên quê hương mới Cư Elang, đã có thể cảm nhận được không khí mùa xuân đến. Bên cạnh những ngôi nhà đang được xây dựng, đã có hàng trăm ngôi nhà mới khang trang, hiện đại kịp hoàn thiện, đang được bà con dọn dẹp, trang hoàng để chuẩn bị đón Tết. Năm nay, bà con trong thôn ăn Tết to hơn, bởi cuộc sống đã khá hơn. Nhiều nhà đã treo cờ, cắm hoa trước cổng để chào đón năm mới với niềm tin về một tương lai tốt đẹp ở nơi định cư mới.

Sự Đức Diệp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.