Gieo "hạt giống tâm hồn" miền biên ải
Ở Đắk Lắk, có 3/4 xã biên giới với trên 50% hộ nghèo, điều kiện học tập còn khó khăn, thậm chí có người không biết chữ. Gieo hạt giống tâm hồn miền đất này, người lính quân hàm xanh bền bỉ triển khai nhiều chương trình, hoạt động mang ý nghĩa lâu dài…
Xóa mù chữ cho bà con
Bám nắm địa bàn, nhận thấy những bất cập, thiệt thòi của người dân vùng biên khi không biết chữ, nhiều năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp mở các lớp học phục vụ bà con. Lớp diễn ra ban đêm. Học trò tham gia có độ tuổi chủ yếu từ 30 – 60 tuổi, còn người đứng giảng là bộ đội biên phòng.
Năm 2017, tôi vài lần đến thăm lớp xóa mù chữ do Đồn Biên phòng Ea H’leo phối hợp UBND xã Ia Lốp tổ chức. Có rất nhiều thứ đặc biệt mà có lẽ ai lần đầu chứng kiến cũng ngạc nhiên. Biên giới xa ngái, nhà cách trường học vài cây số, vậy mà 7 giờ tối, các cô chú vẫn cần mẫn có mặt. Giữa bốn bề núi rừng, đêm tĩnh lặng miền biên như được khuấy động bởi những tiếng ê a đánh vần, học chữ. Những đôi tay chai sần vốn chỉ quen việc cuốc cày đang lóng ngóng tập viết. Những đôi mắt tèm nhèm hướng về tấm bảng, chăm chú nghe giáo viên giảng bài. Những thầy giáo chưa một lần học qua trường lớp sư phạm đã làm quen phương pháp giảng, kiên nhẫn, chậm rãi hướng dẫn từng con chữ cho “học trò”…
Thầy giáo quân hàm xanh hướng dẫn người dân xã biên giới Ia R'vê (huyện Ea Súp) học chữ. |
Thiếu tá Phạm Văn Hiếu, khi ấy là Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ea H’leo từng chia sẻ rằng, để duy trì lớp học, các anh đã bao phen vất vả tuyên truyền. Tâm lý những người lớn tuổi thường ngại ngần, xấu hổ, việc nhà nông bận rộn sớm hôm, nên bộ đội phải đến từng nhà vận động, sẵn sàng giúp việc đồng áng, nương vườn để bà con yên tâm đến lớp. Dạy học trò bình thường đã khó, hướng dẫn cho bà con càng vất vả hơn, vậy mà kiên trì theo tháng ngày, rất nhiều người đã đọc, viết, tính toán thành thạo.
Lần trở lại biên giới, tôi gặp bà Lê Thị Dung (ở thôn Chiềng, xã Ia Lốp) – một trong những học viên tiêu biểu của lớp xóa mù chữ hơn 5 năm về trước. Tuổi già in dấu trên mái tóc của bà, nhưng khả năng đọc viết, tính toán lại trở nên tiến bộ vượt bậc. Bà bộc bạch rằng, lựa chọn đến lớp học xóa mù chữ là quyết định đúng đắn và tuyệt vời. Nhờ đó, hơn nửa đời người từng tự ti, mặc cảm, đến nay bà đã có thể mở mang thêm nhiều kiến thức nhờ biết đọc báo, xem thông tin, tài liệu, biết nhẩm tính chính xác trong việc bán mua.
Cùng đồng đội tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ, với Trung úy Hà Văn Tân (Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ea H’leo) đó là quãng thời gian rất ý nghĩa. “Tôi học được ở bà con tinh thần vượt khó và nghị lực tìm con chữ. Dù tuổi cao, mắt kém, nhưng rất nhiều bác chưa khi nào nghỉ học. Cho đến nay, dù lớp đã kết thúc nhiều năm, nhưng mỗi khi gặp mặt, các bác ấy vẫn gọi bộ đội bằng “thầy”, khiến chúng tôi rất cảm động” – anh Tân bày tỏ.
Nâng bước em đến trường
Song hành với công tác xóa mù chữ, việc hỗ trợ trẻ em khó khăn đến trường luôn là niềm đau đáu của người lính miền biên ải.
Đầu tháng 11, Đoàn công tác của Bộ đội Biên phòng tỉnh đến thăm, làm việc tại Phòng khám quân – dân y của Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk. Vừa xuống xe, tiếng chào trong trẻo, mang ý cười hạnh phúc của cậu bé 8 tuổi Y Phú Mlô đã thu hút mọi ánh nhìn: “Con chào các bố! Con chào cô!”.
Em Y Phú Mlô vui vẻ chuyện trò cùng các bố nuôi. |
Cậu bé người dân tộc Êđê Y Phú Mlô nhà ở xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn) có tuổi thơ nhiều thiếu thốn, thiệt thòi. Mẹ mất sớm, bố bỏ đi nơi khác sinh sống, Phú ở với gia đình ông ngoại tuổi đã già. Năm 2019, em được Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk nhận làm con nuôi. Kể từ đây, Phú có thêm những người bố quân hàm xanh luôn đùm bọc, chăm bẵm như chính con ruột của mình. Nhớ lại ngày nhận con về nuôi, Trung tá Nguyễn Văn Nhương bộc bạch: “3 năm trước, Phú ốm yếu, còi cọc và khá nhút nhát. Anh em trong đơn vị xác định chăm sóc một đứa trẻ mới lên 5 tuổi sẽ rất khó, nhưng không ngờ con tập quen với môi trường mới rất nhanh. Phú nay đã lên lớp 3, học khá tốt, mới đây còn khoe với các bố là được bầu làm lớp trưởng nữa. Sự lễ phép và tiến bộ của con, khiến chúng tôi thấy ấm áp vô cùng”.
Không riêng Phú, từ năm 2019, Bộ đội Biên phòng tỉnh bắt đầu triển khai chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng” và nhận nuôi 4 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhận nuôi các con, những người lính trong vai người bác, người cha, người thầy vừa chăm sóc, nuôi dạy, vừa là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho lũ trẻ.
Song song với nhận con nuôi, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn triển khai lâu dài chương trình “Nâng bước em tới trường” với hình thức nhận đỡ đầu học sinh khu vực biên giới. Bắt đầu từ năm 2016, các đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận đỡ đầu 40 học sinh/năm cho đến khi các em hoàn thành lớp 12. Ngoài mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/em/tháng, người lính quân hàm xanh còn thường xuyên thăm hỏi, tặng dụng cụ, phương tiện học tập để tạo thêm động lực học tập cho trẻ em vùng biên.
Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh chia sẻ, xuất phát từ sự cảm thông, thấu hiểu, nên các chương trình xóa mù chữ, giúp đỡ học sinh khó khăn luôn được cán bộ, chiến sĩ đồng lòng tham gia. Đây là tình cảm, trách nhiệm của những người lính biên phòng đối với việc xây dựng biên cương Tổ quốc ngày càng ấm no, tươi đẹp.
Từ năm 2012 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp tặng hàng nghìn cuốn sách, vở, dụng cụ học tập; trên 100 chiếc xe đạp; mở 7 lớp xóa mù chữ cho 225 người dân trên địa bàn. |
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc