Hồi ức về một chính nhân
Trong quãng thời gian làm báo của mình, tôi đã được tiếp xúc với không ít nhân vật nổi tiếng, nhưng có lẽ kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Thụ là một trong những chính nhân đã cho tôi mối giao cảm và ấn tượng đặc biệt. Sức thuyết phục trong ông không chỉ là đức độ, tài năng vốn sẵn mà còn là sự hóa giải những điều đó một cách khiêm nhường, hào hoa và nhã nhặn.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở làng Lang Xá, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế, chàng thanh niên học giỏi nhưng gia cảnh bần hàn ấy đã phải vượt qua rất nhiều gian truân để theo đuổi con đường học vấn. Với ý chí mạnh mẽ, Ngô Viết Thụ đã cố gắng học và đỗ tú tài năm 1948 và sau đó đậu vào Trường Cao đẳng Kiến trúc Đà Lạt. Tốt nghiệp, ông được du học nước Pháp, được đào tạo chính quy tại Cao đẳng Mỹ thuật Paris rồi Học viện Kiến trúc đô thị Paris. Từ đó, ông là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên được thừa nhận quốc tế: Năm 1955, mới 30 tuổi, Ngô Viết Thụ đã vượt qua những tên tuổi lớn thế giới để đạt giải Khôi nguyên La Mã; ông đã tham gia nhiều đề án kiến trúc ở Pháp, Hoa Kỳ và châu Âu. Năm 1960, Ngô Viết Thụ nhận phần thưởng danh dự của Học viện Kiến trúc Hoa Kỳ và năm 1962 được bầu làm Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm Kiến trúc Hoa Kỳ.
Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và vợ tại Paris (Pháp) năm 1955. |
Về giải kiến trúc Khôi nguyên La Mã, giải thưởng ghi dấu Ngô Viết Thụ với nghệ thuật kiến trúc thế giới, ông từng kể: “Tôi sang Ý với sự tuyển chọn của nước Pháp, nơi tôi du học. Gặp thành phố La Mã (Rome) xây dựng từ hơn 2.000 năm trước, tôi đã choáng ngợp trước vẻ đẹp, không gian và bố cục tuyệt vời. Đi trên bất cứ con đường nào cũng thấy rõ trung tâm La Mã. Các công trình nổi bật có lâu đài Médicis, Viện bảo tàng Vatican, nhà thờ Saint Pierre de Rome, đấu trường La Mã. Chỉ điểm sơ cũng đủ thấy sự vĩ đại của kiến trúc Hy-La với cảm hứng vừa nên thơ, vừa hùng vĩ. Đi du học mà tôi luôn nghĩ về quê hương nên đã cố công tu luyện và học hỏi. Học những nét cao siêu trong sự sắp xếp, bố cục và xử lý không gian của các trung tâm, các công trình. Tác phẩm đoạt giải Khôi Nguyên La Mã, tức “Giải thưởng lớn Roma” (Priemier Grand Prix de Roma) của tôi là họa đồ một thánh đường với sức chứa 40 nghìn tín đồ. Tác phẩm đạt điểm cao nhất với 28 phiếu trên 29 phiếu giám khảo, như một nhà báo Pháp hồi đó viết: “29 phiếu trừ 1”. Dư luận chung hết sức ngạc nhiên bởi không tin một thanh niên Việt Nam nhỏ bé lại đoạt giải thưởng lớn. Trong thời gian ở Ý, tôi đã tổ chức các cuộc triển lãm tại lâu đài Médicis. Các cuộc triển lãm đều có Tổng thống Ý Gronchi, Tổng thống Pháp René Coty chủ tọa; khách mời là ngoại giao đoàn, nhân sĩ trí thức và đông đảo báo giới…”.
Cậu khóa nghèo xứ Huế ấy vào đời và lập nên công danh từ nghị lực, tài năng thiên bẩm và lòng đam mê. Muốn thực hiện điều gì là Ngô Viết Thụ quyết chí làm cho bằng được. Ví như học ngoại ngữ. Ngoài tiếng Pháp, tiếng Anh, ông còn thạo nhiều sinh ngữ khác và học rất nhanh: học ba tháng đã rành tiếng Nhật, sáu tháng xong tiếng Hán và nửa năm đã giỏi tiếng Nga. Ông chơi thuần thục piano, đàn cò và sáo trúc. Trong hội họa, ông để lại hàng trăm bức tranh sơn dầu từ tả thực đến trừu tượng.
Dinh Thống Nhất - công trình thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ. |
Lúc sinh thời, ông từng tâm sự: “Tôi thích khí chất trượng phu của cụ Nguyễn Công Trứ. Tôi mê thơ cụ Nguyễn, thích cái chức doanh điền sứ của cụ cũng như cái chí khai hoang, lập ấp, lấn biển, dựng nhà, mở mang bờ cõi. Hồi từ nước ngoài về, chính quyền đương thời có mời giữ chức Bộ trưởng Kiến thiết nhưng tôi từ chối, vì nhớ lời dạy của nhạc phụ tôi, cụ Võ Quang Tiềm, người Đà Lạt: Làm thượng thư thì chỉ có một thời, còn giật giải Khôi nguyên để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân thì thời nào cũng trọng. Bởi vậy, tôi đã kiên quyết từ chối cái sở đoản để thực hiện khát vọng hợp với sở trường”. Ông nghĩ, với nghề kiến trúc, ở những vùng đô thị giàu có là có người phục vụ, còn những vùng nông thôn hẻo lánh ít ai lo. “Bắt chước cái chí của cụ Nguyễn, tôi đã góp chút sức nhỏ để xây dựng, mở mang những vùng đất khó”, ông nói.
Hơn 30 đô thị, tỉnh lỵ và thị xã mới tại phía nam đã được hình thành từ những đồ án quy hoạch của KTS Ngô Viết Thụ, trong đó có những vùng xa xôi trên núi rừng Tây Nguyên như Quảng Tín, Vị Thanh, Cheo Reo... đã xuất phát từ khát vọng ấy. Nhà kiến trúc Tây học mang tinh thần đạo gia phương Đông đã từ chối mọi vinh hoa, phú quý để thực hiện những ý tưởng tốt đẹp và theo đuổi đam mê của mình. Cái cốt cách con người ông là sự tỏa sáng của trí tuệ khoa học được kết tinh từ những năm theo học học vấn phương Tây hòa kết trong một tinh thần văn hóa Việt Nam và tư tưởng phương Đông. Giữa duy lý và duy cảm trong ông có sự quy hợp, thế nên trong các công trình do ông thiết kế có sự nhất quán về tư tưởng, đó là thấm nhuần và thẩm thấu tư tưởng của cổ nhân trong phương pháp xử lý hiện đại. Ông từng lý giải: “Dùng chất liệu và kỹ thuật kim thời để biểu tả tâm hồn Việt Nam”; hay “Phối hợp bình đồ trong kiến trúc rất giống phép hòa âm phối khí trong âm nhạc hay gia giảm trong y thuật phương Đông”…
***
Thật khó liệt kê hết những công trình mà KTS Ngô Viết Thụ tham gia thiết kế và cố vấn, cũng như khó diễn tả đầy đủ những ý tưởng của ông, chỉ xin điểm: Ngoài 30 đồ án quy hoạch khắp các vùng phía nam là Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập), Viện Nguyên tử Đà Lạt, chợ Đà Lạt, Viện Đại học Huế, sân bay Tân Sơn Nhất, Làng Đại học Thủ Đức, Công trường Mê Linh…; ông còn tham gia quy hoạch tổng mặt bằng Thủ đô Hà Nội, thành phố cảng Hải Phòng, thiết kế Ty Thủy lợi Đắk Lắk, Bệnh viện Sông Bé, Khách sạn Century Huế, Trúc Lâm thiền viện Đà Lạt… Ông còn là thành viên ban giám khảo quốc tế trong cuộc thi thiết kế quy hoạch Nam Sài Gòn. Hoài bão cuối đời của vị kiến trúc sư tài đức vẹn toàn là thiết kế những ngôi nhà cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long tránh lũ. Trên giường bệnh, ông vẫn trăn trở với lời hứa chưa trọn cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về ước nguyện này...
Hầu hết các tác phẩm của KTS Ngô Viết Thụ đều tạo nên bởi sự nhất quán về tư tưởng, trong tổng thể chữ “nhất”. Ông nói: “Ngày xưa học chữ Hán, bạn bè hay chọc nhau: “Chữ nhất (–) cũng không biết. Chữ nhất là một gạch, ai cũng biết. Thật ra, để hiểu thấu đáo chữ nhất phải thông thiên văn, đạt địa lý, thấm nhuần triết học, toán học mới lắp ghép tất cả các mảnh rời thành một, hợp nhất tất cả, trong đó có tri và hành. Biết được chữ nhất ẩn chứa rất nhiều, nhưng cũng không cần diễn đạt nhiều. Tôi đã lấy những ý tưởng đó để xây dựng dinh Độc Lập (Dinh Thống Nhất) và nhiều công trình khác”. Ngẫm lời ông, tôi ngắm bức ảnh mà KTS Ngô Viết Thụ (người thiết kế và chỉ đạo thi công Dinh Độc Lập) chụp chung với Anh hùng Nguyễn Thành Trung (người ném bom vào Dinh Độc Lập), Anh hùng tình báo Vũ Ngọc Nhạ (cố vấn nhiều đời tổng thống Việt Nam Cộng hòa) vào dịp lễ Kỷ niệm 20 năm ngày thống nhất đất nước và thật sự thấm hơn về chữ nhất, hiểu thêm về ý nghĩa lớn lao của hai chữ “thống thất”. Cái chữ nhất đó ở công trình Lò nguyên tử Đà Lạt được ông thể hiện ý tưởng kỹ thuật hạt nhân là nhằm mục đích phục vụ hòa bình. Thế nên, xung quanh lò phản ứng có thể gây “chết người” ấy, ông đã cho trồng 500 cây anh đào quanh năm xanh tốt và nở hoa vào mỗi độ xuân về…
KTS Ngô Viết Thụ đã rời cõi tạm từ hơn hai thập niên trước, nhưng tôi luôn nhớ về ông, một con người với tài năng và nhân cách mà tôi hằng kính phục.
Uông Thái Biểu
Ý kiến bạn đọc