Multimedia Đọc Báo in

Tết của những người con xa quê

17:19, 23/01/2023

Tết Nguyên đán là dịp để những người con xa quê trở về đoàn viên, sum họp với gia đình, người thân. Thế nhưng có không ít người phải nén lòng đón Tết xa quê bởi điều kiện công việc và những bộn bề, khó khăn của cuộc sống.

Nhiều lý do ở lại

Vào Đắk Lắk lập nghiệp đã hơn 10 năm, đây là năm thứ 3 anh Hoàng Văn Bốn, ở phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) không về quê Thanh Hóa đón Tết. Những năm trước, gần đến ngày tết, anh Bốn đều sắp xếp về quê sớm để mua sắm, dọn dẹp mọi thứ trong nhà.

Thế nhưng, 2 năm nay, do dịch bệnh COVID-19, kinh tế gia đình anh giảm sút. Để có thêm thu nhập, bù đắp lại những tháng khó khăn, thất nghiệp vừa qua, vợ chồng anh quyết định ở lại tăng ca ngày Tết. Anh Bốn chia sẻ: “Nghe tin gia đình tôi không về quê ăn Tết, bố mẹ rất buồn, nhưng điều kiện không cho phép”.

Gia đình anh Hoàng Văn Bốn gói bánh chưng dịp Tết. Ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng chung tâm trạng, Tết năm nay, anh Nguyễn Văn Tính, công nhân một cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cũng ngậm ngùi ăn Tết xa nhà. Anh Tính quê ở Thái Bình, cả năm nay anh không về quê, chỉ để chắt bóp thêm chút tiền tàu xe chờ dịp Tết đoàn viên. Thế nhưng, dịp này chủ cơ sở nơi anh làm việc cần hoàn thành gấp các đơn hàng cho khách, hứa hẹn trả gấp đôi tiền lương nếu làm xuyên Tết. Nghĩ đến số tiền làm thêm dịp Tết có thể mua quần áo mới, đóng học phí cho hai con nên anh đành lỗi hẹn với gia đình.

Còn với Trung úy Đặng Đình Tráng, quê ở huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) đang công tác tại Công an huyện Krông Búk dù không quá khó khăn về kinh tế nhưng do đặc thù nghề nghiệp nên nhiều năm phải xa gia đình vào dịp Tết. Trung úy Tráng tâm tình: “Nhớ nhà, là điều khó tránh khỏi nhưng tôi cũng như cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị luôn nén lại cảm xúc lại để hoàn thành tốt nhiệm vụ, phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết an toàn, tiết kiệm”.

Vấn vương dư vị quê nhà

Với những người đã xem Đắk Lắk là chốn an cư như gia đình anh Bốn, dẫu không được về quê hưởng trọn vẹn niềm vui bên gia đình, anh vẫn tất bật mua sắm, dọn dẹp đón Tết. Gia đình anh năm nào cũng gói bánh chưng, muối dưa hành, tổ chức gặp mặt đồng hương Thanh Hóa không có điều kiện về quê để làm bữa cơm tất niên cho vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê.

Tương tự, anh Tính cũng bắt đầu lên kế hoạch đón Tết từ xa. Số tiền lẽ ra chi tiêu cho chuyến về quê, anh Tính gửi về cho vợ sắm sửa cho cả nhà và mua ít quà Tết để biếu người thân. Anh Tính tâm sự: “Vào Đắk Lắk làm việc hơn một năm, tôi cũng có nhiều bạn bè ở đây. Ngoài thời gian tăng ca, tôi sẽ đi dạo phố phường, ăn tất niên. Ngày đầu năm mới tôi gọi video về quê chúc Tết gia đình và bạn bè thân thiết”.

Còn với chị Đỗ Thị Lệ trong 6 năm xa nhà (xã Cư Prao, huyện M’Drắk) chị chỉ mới trở về đón Tết cùng gia đình một lần. Cũng như bao người con tha hương tại Nhật Bản, vào dịp này, chị thường hẹn bạn bè đi ăn rồi cùng nhau ôn lại kỷ niệm về quê hương, gia đình. Đặc biệt, để giữ gìn nét văn hóa, ẩm thực của quê nhà, các gia đình sẽ tập trung gói bánh chưng và làm các món ăn truyền thống Việt Nam. Những năm gần đây, người Việt ở Nhật ngày càng đông nên các mặt hàng như: bánh chưng, giò chả, kẹo mứt… cũng dễ dàng mua được. Chị Lệ chia sẻ: “Ở Nhật Bản, ngày Tết âm lịch tôi vẫn phải đi làm bình thường. Vì vậy, tôi thường tranh thủ đi thăm ngôi chùa gần thành phố mình ở để có chút không khí Tết và cầu bình an”.

Chị Đỗ Thị Lệ đi lễ chùa đầu năm mới tại Nhật Bản.

Không thể trở về quê đón Tết cổ truyền, những người Việt sinh sống xa quê ở nhiều nơi vẫn hướng về quê hương. Mỗi người đều đón một cái tết trọn vẹn theo cách riêng của mình.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.