Multimedia Đọc Báo in

Ea Hiu tìm giải pháp giảm nghèo bằng xuất khẩu lao động

07:54, 08/02/2023

Nhờ những nỗ lực, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang góp phần làm thay đổi đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã vùng đặc biệt khó khăn Ea Hiu (huyện Krông Pắc).

Tháng 8/2022, Mun Thủy Vu (SN 2003, buôn Tà Đỗq) là một trong những lao động đầu tiên của xã Ea Hiu sang Nhật Bản làm việc theo hợp đồng ký kết với Công ty Cổ phần nhân lực quốc tế SOVILACO (trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh).

Trải qua thời gian ngắn bỡ ngỡ nơi xứ người, em cùng các bạn nhanh chóng thích nghi và hòa nhập với điều kiện làm việc, sinh hoạt mới. Mun Thủy Vu làm công việc chế biến thực phẩm tại siêu thị với mức thu nhập bình quân trong những tháng đầu là hơn 21 triệu đồng/tháng.

Em chia sẻ: “Công việc tại Nhật Bản đòi hỏi tính kỷ luật cao, phải tuân thủ nghiêm ngặt về thời gian nhưng lại có nguồn thu nhập tốt và cũng tạo cho em nhiều cơ hội để mở mang tầm nhìn, kiến thức, kỹ năng. Sau 3 năm làm việc, em sẽ tiết kiệm được một khoản vốn khá lớn để bắt tay vào thực hiện những dự định mà bản thân ấp ủ khi về nước”.

Anh Ai Ngang (bên phải) chia sẻ về điều kiện làm việc của con gái tại Nhật Bản.

Cha của Mun Thủy Vu là Ai Ngang, hiện là công chức kế toán của xã Ea Hiu cho biết, anh là người Bru Vân Kiều đầu tiên ở xã Ea Hiu đăng ký cho con tham gia XKLĐ. Vì sinh sống ở xã vùng III nên các chi phí, thủ tục đều nhận được nhiều quan tâm, ưu đãi.

Toàn bộ chi phí tham gia XKLĐ tại Nhật Bản của con anh chỉ gần 130 triệu đồng, trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 89 triệu đồng theo hình thức tín chấp với lãi suất ưu đãi. Phía công ty SOVILACO cũng hỗ trợ cho người lao động mượn một phần chi phí nên gia đình không phải lo lắng nhiều.

Gia đình chị Mó Cam Phân ở buôn Mò Ó cũng có con gái tên là Mó Roang (SN 1998) đi XKLĐ tại Nhật Bản. Chị Mó Cam Phân cho biết, Mó Roang hiện đang làm công việc lắp ráp thiết bị điện tử với thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng.

Ban đầu, gia đình rất lo lắng khi con đi làm xa nhưng được sự động viên của chính quyền địa phương và chính con gái mình, vợ chồng chị đã yên tâm về điều kiện làm việc, sinh hoạt của con.

Sau 4 tháng làm việc, Mó Roang không chỉ chăm lo tốt cho bản thân mà còn tự tiết kiệm tiền gửi về cho gia đình 17 triệu đồng để hoàn trả một phần vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chỉ riêng trong năm 2022, bằng các giải pháp tuyên truyền, hỗ trợ của chính quyền địa phương, toàn xã Ea Hiu đã có 18 thanh niên tham gia XKLĐ, trong đó có 14 người làm việc tại Nhật Bản theo hợp đồng với Công ty SOVILACO và 4 người làm việc tại Đài Loan theo diện bảo lãnh.

Ngoài ra còn có một số lao động đang được đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh, chuẩn bị sang Nhật Bản làm việc vào đầu năm 2023.

Chị Mó Cam Phân (bên trái) phấn khởi chia sẻ về điều kiện làm việc và thu nhập của con khi đi xuất khẩu lao động.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Ea Hiu Võ Hữu Chút, tất cả lao động đủ điều kiện đều được hỗ trợ tối đa về mặt hồ sơ, thủ tục. UBND xã còn lập nhóm Zalo, nắm bắt thông tin, tâm tư của con em địa phương đang làm việc ở nước ngoài.

Về cơ bản, doanh nghiệp môi giới thực hiện đúng cam kết với địa phương, người lao động được làm việc theo nguyện vọng với thu nhập cho một ngày làm việc 8 giờ từ 1,1 – 1,2 triệu đồng.

Xã Ea Hiu là có đông đồng bào DTTS, đất sản xuất rất ít, lao động thiếu trình độ, tay nghề nên tỷ lệ hộ nghèo cao. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định XKLĐ là một hướng đi phù hợp, không chỉ giúp người dân thoát nghèo bền vững mà còn góp phần thay đổi tư duy, nếp nghĩ của nhiều lao động trẻ tuổi tại địa phương.

Bình Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.