Chuyện người quản tượng ở Yang Tao
Khunjunob (Y Thu Knul), Ama Kông… được nhiều người biết đến là những “vua voi” với những câu chuyện săn bắt, thuần dưỡng voi rừng đã thành huyền thoại. Nhưng ít ai biết được rằng ở xã Yang Tao (huyện Lắk) cũng có một người thuần dưỡng voi rất giỏi với những câu chuyện ly kỳ không kém, đó là Y Thanh Uông…
Cơ duyên với nghề
Y Thanh Uông có vợ là H’Boăn Lưk ở buôn Nrung, xã Yang Tao. Sau khi cưới vợ, Y Thanh về ở luôn trong nhà H’Boăn và cơ duyên với voi cũng bắt đầu từ đây.
Dòng họ phía H’Boăn góp vốn bằng chiêng, ché, trâu, bò mua con voi cái có tên Bun Nang từ xã Ea Rbin (huyện Lắk) về để giúp người làm những công việc trong gia đình. Do ở vùng sâu, vùng xa, được chăn thả trong rừng tự nhiên nên khi được đưa về buôn Nrung gần đường quốc lộ, voi Bun Nang sợ rất nhiều thứ, cứ đi gần gà, vịt, trâu, bò, xe máy, xe ô tô… là nó bỏ chạy! Voi Bun Nang không chịu chở nhiều người, ngồi 1 - 2 người thì nó chịu cõng đi, nhưng 4 - 5 người là nó không chịu. Nó không chịu kéo gỗ; khi “trao” (dây kéo gỗ có thể là dây leo, hoặc dây song mây) choàng lên người, nó thử thấy nhẹ thì kéo, nặng là nó dùng vòi tự tháo dây. Nài voi ép làm thì Bun Nang phản ứng lại bằng cách lắc người (nghiêng qua bên này, hoặc bên kia), lắc đầu mạnh, hoặc bất ngờ bỏ chạy thật nhanh rồi dừng đột ngột khiến nhiều nài voi đã ngã, hoặc sợ mà bỏ nghề.
Quản tượng Y Thanh Uông (người ngồi trên lưng voi Băk Khăm) cùng gia đình và bạn bè. |
Thế là chàng rể mới Y Thanh có dịp được trổ tài. Ngày còn nhỏ hay đi xem voi và được cưỡi trên nhiều voi khác nhau, anh đã học được cách ngồi khá vững, biết cách điều khiển, chế ngự voi, với những khẩu lệnh như: Quỳ xuống (muk), đứng lên (gú), nằm (trung), đi tới (riê), lùi lại (dún), sang phải (noă), sang trái (doeu), dừng lại (dun)... Những tác động bằng roi, bằng móc nhọn chỉ dùng khi voi quá lì lợm, sau đó phải cho nó ăn, vuốt ve tình cảm nó mới chịu. Với Bun Nang và nhiều con voi khác sau này, Y Thanh chinh phục chính là bằng tình cảm yêu thương, quý mến. Như Bun Nang sợ xe ô tô, tiếng máy nổ, Y Thanh tập cho Bun Nang nghe tiếng máy từ xa đến gần; không để quá đột ngột voi sẽ hoảng, bỏ chạy… dần rồi quen. Những lần voi bỏ chạy khi gặp đàn gà vịt, Y Thanh bình tĩnh ngồi vững, khi voi đã mệt, Y Thanh chủ động nhờ người xua gà vịt cho tiếp xúc gần nhiều lần thì voi không còn sợ nữa… “Nó gật mạnh đầu cho mình ngã, mình không ngã, nó mới sợ! Nhưng cơ bản vẫn phải dùng tình cảm, nó thấy mình yêu thương nó hết lòng thì nó cũng đối xử lại với mình y như con người vậy”, Y Thanh chia sẻ.
Cũng nhờ voi Bun Nang, Y Thanh học được cách làm quen, thu phục voi rất giỏi. Y Thanh được rất nhiều chủ voi nhờ đến “lấy” voi (di chuyển voi như người ta thuê tài xế) bắt voi đực khi mới vào mùa động dục phải nghe lời… Anh đã từng giúp ông Đàng Năng Long (một trong những ông chủ có nhiều voi nhất huyện Lắk) điều khiển, quản lý, hướng dẫn nhiều đoàn voi lớn từ khắp nơi trong, ngoài tỉnh tập trung diễu hành, tham gia các lễ hội, hoặc đưa các đoàn voi đi khắp cả nước như Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Vũng Tàu, Phú Quốc…
Chinh phục Băk Mon bướng bỉnh
Sau 3 năm ở rể, vợ chồng Y Thanh ra ở riêng. Phía dòng họ Y Thanh cũng góp vốn mua voi cái Băk Mon từ buôn Jăk Ju, xã Bông Krang (Lắk). Băk Mon rất khó tính: Không cho cưỡi, không cho gác bành lên lưng, không kéo gỗ được... và cũng sợ đủ thứ giống Bun Nang. Y Thanh được chọn làm nài chính, chịu trách nhiệm huấn luyện. Lần đầu tiên tiếp xúc, Y Thanh cho voi ăn mía, gọi tên bảo voi tiến lên, lùi lại, bảo voi quỳ, Băk Mon ngoan ngoãn vâng lời khiến ông chủ voi rất bất ngờ.
Quản tượng Y Thanh Uông và voi Băk Khăm. |
Cả buôn hay tin kéo tới đánh chiêng, chuẩn bị những món ăn voi ưa thích như chuối, bắp, mía... Dòng họ Uông làm cỗ đãi làng, cúng sức khỏe, bình an cho voi và gia chủ. Cúng xong, voi cùng nài voi sẽ được đưa trở lại rừng, nơi có suối thực hiện nghi lễ vier yo (cữ voi) kéo dài 1 tháng. Trong thời gian này voi được sống tách biệt, hạn chế người lạ đến gần. Nài voi sẽ làm lán trại ở tại chỗ cùng voi. Việc cữ voi có ý nghĩa tâm linh muốn voi bỏ lại hết những thú tính hoang dại lại rừng hướng đến những điều tốt đẹp phía trước, tạo mối giao cảm giữa voi và nài để voi ngoan ngoãn vâng lời. Sau 1 tháng voi và nài voi được trở về với gia đình, cộng đồng. Voi sẽ được đón tiếp bằng một lễ cúng lớn hơn gọi là Lao yo (mừng voi trở lại) chính thức trở thành thành viên trong gia đình.
Thuần dưỡng để voi Băk Mon hòa nhập với cuộc sống, sinh hoạt, không sợ gà, vịt, trâu bò, không sợ máy cày, ô tô, tập gác bành chở khách du lịch, tập kéo gỗ… là cả một quá trình nhẫn nại, bền bỉ, lâu dài. Y Thanh kể: “Chỉ việc gác bành lên lưng là nó hất xuống miết, móc gỗ vào bắt nó kéo là nó dùng vòi, lách người tháo dây rồi bỏ chạy. Bao nhiêu người phải hò hét đuổi theo bắt mà sao bắt nó được. Mình cứ phải kiên trì, phải đứng trước đầu, đưa cho nó ăn liên tục những món nó thích, rồi những người khác tranh thủ gác bành lên lưng nó cột lại. Nó kéo xuống thì làm lại, xong kết hợp bỏ lúa, bỏ củi lên như đang chở người. Ngày hôm nay không được thì sang hôm sau, hôm sau nữa, làm mãi, làm mãi rồi nó mới chịu chứ không dễ đâu”.
Voi Băk Mon được Y Thanh quản lý, chăm nuôi, sử dụng làm du lịch được 17 năm. Song như Y Thanh thừa nhận, Băk Mon là con voi lì lợm khiến anh mất nhiều tâm sức nhất. Nhiều lần nó đã bứt xích chạy lung tung, phá hoa màu của người dân khiến gia đình phải bồi thường. Cuối cùng, dòng họ buộc phải sang nhượng Băk Mon cho một khu du lịch ở Đà Lạt.
Cùng Băk Khăm “vượt cạn”
Năm 2006, dòng họ Uông mua voi Băk Khăm có nguồn gốc từ buôn Hra (huyện Krông Ana) về nuôi. Băk Khăm là voi cái trẻ, Y Thanh lần đầu gặp đã rất thích. Nó có dáng đẹp, tai không bị cuốn, lông tai rậm, các móng chân luôn ra mồ hôi ướt, mông nở, hai chân sau thấp, dấu hiệu của con voi có khả năng sinh sản tốt. Voi đẻ con là điều mà bất cứ người nuôi voi nào cũng mong muốn.
Đúng như con mắt đánh giá và cái bụng Y Thanh nghĩ, 3 năm sau Băk Khăm rống gọi, đòi đi (dấu hiệu động dục), Y Thanh đã xin voi đực của một người trong buôn nhưng bị người ta từ chối vì sợ voi đực sẽ đi theo voi cái gia đình họ không quản lý được. Mãi đến năm 2018 qua mai mối của ông Đàng Năng Long, voi Băk Khăm được kết đôi với voi Thông Răng đã cho tín hiệu vui. Voi Băk Khăm có bầu. Đúng 24 tháng sau Băk Khăm chuyển dạ, 3 ngày liên tục vật vã đau đớn. Những ngày đó luôn có voi cái Băk On, voi của một người trong buôn bên cạnh bầu bạn. Băk Khăm giấu mình trong tán rừng, nó liên tục vật mình nghiêng bên này lại nghiêng bên kia, tự ép bụng vào khe suối cạn. Tối ngày thứ tư thì Băk Khăm hạ sinh một con voi đực, chỉ tiếc voi con đã chết trước khi chào đời. Voi mẹ nhiều lần dùng vòi lật đứa con trai dậy, nhưng bất thành. Voi mẹ rống nhiều tiếng thê thảm và không ngừng chảy nước mắt. Y Thanh và nhiều người hôm đó chứng kiến đã vô cùng đau đớn, tiếc thương. Họ đã khóc cạn nước mắt như gia đình mất đi một người thân.
Voi Băk Khăm có bầu và sinh nở trong thời điểm 3 năm đại dịch, dòng họ Y Thanh được hỗ trợ 170 triệu đồng, từ đó đến nay voi Băk Khăm không chở khách, được cột trong rừng cách xa nhà khoảng hơn 15 km. Hằng ngày vợ chồng Yô Ni – con Y Thanh tranh thủ chạy xe máy vào thăm và hỗ trợ thêm chuối, mía cho voi ăn. Hôm nào không có việc Yô Ni đưa voi về phía hồ Lắk cho Băk Khăm gặp chồng nó là voi Thông Răng. Yo Ni cho biết: “Hai vợ chồng nó gặp là giao phối nhưng không biết có dính bầu không? Tiếc là không có bác sĩ thú y để biết thời kỳ rụng trứng của Băk Khăm, nếu biết thời điểm Băk Khăm rụng trứng cho Thông Răng giao phối chắc là dính bầu liền”.
Làm sao để voi cái có bầu và sinh sản, duy trì đàn voi là niềm mong mỏi và cũng là trăn trở của những gia đình nuôi voi như nhà Y Thanh. Anh tâm sự, việc bảo tồn đàn voi nhà cần có những việc làm thiết thực chớ không chỉ vận động, kêu gọi, hô hào suông mà được. Chẳng hạn, để không còn sử dụng voi chở khách du lịch thì Nhà nước cần có phương án hỗ trợ sinh kế cho người dân, có chế độ hỗ trợ các hộ nuôi voi bởi riêng chi phí nuôi voi đã rất tốn kém trong khi đa số hộ dân hoàn cảnh còn rất khó khăn...
Trương Nhất Vương
Ý kiến bạn đọc