Multimedia Đọc Báo in

Gắn kết để phát triển

08:15, 08/03/2023

Cùng với sự phát triển đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ dân tộc thiểu số đã có cơ hội vươn lên phát triển bản thân, đóng góp tích cực cho xã hội.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Tham gia Câu lạc bộ (CLB) dân gian buôn Kbu (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột), chị H'Uết Niê luôn tận dụng cơ hội học hỏi nâng cao kiến thức, góp phần xây dựng CLB hoạt động ngày càng hiệu quả.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Lịch sử, chị có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn văn hóa truyền thống. Khi Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột và xã Hòa Khánh tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng tại địa phương, thành lập Câu lạc bộ dân gian buôn Kbu, chị H'Uết tận dụng ngay cơ hội theo học, đồng thời tích cực tham gia các chương trình giao lưu văn hóa được tổ chức trên địa bàn thành phố, tỉnh để tiếp thu kiến thức.

Chịu khó học hỏi và được sự chỉ dạy tận tình của các nghệ nhân, chị nắm bắt những kiến thức về cồng chiêng, về xoang, trở thành người chị cả của CLB, truyền cảm hứng, hỗ trợ các em tham gia học hành, tập luyện, phát huy khả năng bản thân. Đặc biệt, đội chiêng nữ thuộc CLB đã luyện tập, sáng tạo nhiều tiết mục chất lượng. CLB và đội chiêng nữ đã gặt hái được một số thành công: tham dự, biểu diễn tại nhiều chương trình văn hóa do thành phố, tỉnh tổ chức; biểu diễn phục vụ khách du lịch… để lại dấu ấn trong lòng công chúng.

Thành viên CLB dân gian buôn Kbu biểu diễn tại Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số thành phố Buôn Ma Thuột lần thứ X năm 2023.

Bà H’Líp Niê, Bí thư Chi bộ buôn Kbu nhận xét rằng, H'Uết như một mắt xích quan trọng trong việc kết nối những trái tim yêu văn hóa truyền thống của thế hệ trẻ. Không chỉ hướng dẫn tập luyện, H'Uết còn quan tâm đến tâm tư, tình cảm của các thành viên, nhất là với các em lứa tuổi vị thành niên, tạo cho các em niềm tin, động lực để phát triển bản thân. Hiện nay dù bận với công việc dạy học ở trường, nhưng H'Uết vẫn dành thời gian hỗ trợ hoạt động CLB, là đầu mối để nhận lịch và đưa đội chiêng đi biểu diễn ở những chương trình phù hợp, vì qua đó các em không đơn thuần có thêm thu nhập, mà quan trọng hơn là có điều kiện tiếp xúc với môi trường bên ngoài, mở mang tầm nhìn để có hướng phát triển phù hợp.

Gắn kết từ những mô hình

Những mô hình CLB, tổ, nhóm là kênh hiệu quả giúp chị em có điều kiện gắn kết phát triển. Tổ hợp tác Liên kết sản phẩm thổ cẩm xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) được thành lập vào tháng 8/2018, ban đầu chỉ có 10 hội viên, là phụ nữ dân tộc Êđê tại địa phương biết dệt thổ cẩm, chuyên sản xuất các sản phẩm thêu, dệt truyền thống của đồng bào Êđê.  Đến nay, sau gần 4 năm, tổ đã tăng lên 20 thành viên, có việc làm thường xuyên với mức thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng, trong đó có 6 thành viên đã vươn lên thoát nghèo, dần ổn định kinh tế. Bà H’Hương Niê, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Tul, cũng là người thành lập tổ cho hay, các thành viên được đầu tư nguyên vật liệu và thu mua lại sản phẩm dệt theo giá thỏa thuận từng loại mặt hàng. Qua đó, họ có thêm động lực để phát triển, vừa đảm bảo kinh tế, vừa có điều kiện chăm sóc gia đình, lại góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống.

Chị H'Hương Niê (thứ hai từ trái sang) cùng các thành viên Tổ hợp tác Liên kết sản phẩm thổ cẩm xã Ea Tul tiếp cận các phương pháp dệt mới.

Ở xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), những CLB được thành lập, dựa trên nhu cầu về kinh tế, sinh hoạt văn hóa truyền thống của chị em như: CLB Tiếng chiêng Mường, CLB phụ nữ Êđê thời hiện đại, CLB phụ nữ sức sống mới… thu hút nhiều thành viên tham gia. Bà Bùi Thị Luyến, thành viên CLB Tiếng chiêng Mường (thôn Cao Thắng) tâm sự rằng, dù đã 64 tuổi, nhưng tham gia CLB, được tạo điều kiện để phát huy khả năng của mình như nấu món ăn truyền thống, đánh chiêng Mường, bà rất phấn khởi và có thêm động lực để cống hiến. Bà Trịnh Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Kao cho hay, ban chủ nhiệm các CLB vận dụng linh hoạt, lựa chọn nội dung sinh hoạt thiết thực và phù hợp, luôn được đổi mới như giao lưu giữa các CLB trong và ngoài địa phương, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, liên hoan văn nghệ, tham quan, trợ giúp vốn phát triển kinh tế, thăm hỏi thành viên lúc ốm đau, hoạn nạn... Vì vậy, các CLB này thu hút khá nhiều chị em tham gia, sẵn sàng đồng hành với các chương trình do các cấp hội phụ nữ tổ chức.

Thực tế cho thấy, cùng với sự nỗ lực của bản thân mỗi cá nhân, thì việc được tạo điều kiện thông qua các chương trình, sự hỗ trợ của các cấp đã giúp phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số thêm tự tin, thể hiện được vai trò của mình trong xã hội, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.