Multimedia Đọc Báo in

Khi phụ nữ... ra sân

08:15, 08/03/2023

Sân chơi lành mạnh, bổ ích như các mô hình hoạt động thể thao, văn hóa thu hút ngày càng nhiều chị em phụ nữ tham gia, góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời đại mới năng động, có sức khỏe, thực hiện tốt trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Gần một năm nay, cứ đều đặn mỗi tuần ba buổi tối, sau khi việc nhà tươm tất, các chị em trong Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá nữ xã Cư Yang  (huyện Ea Kar) lại hồ hởi với những trận cầu trên sân cỏ, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa thoải mái tinh thần.

Chị Mùng Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Yang, đồng thời là thành viên của CLB Bóng đá nữ chia sẻ, phong trào thể dục thể thao của chị em phụ nữ trên địa bàn xã diễn ra khá sôi nổi, với nhiều bộ môn như: yoga, dân vũ, bóng chuyền, bóng đá...

Môn bóng đá được khá nhiều chị em yêu thích nên năm 2022, mọi người đã tập hợp nhau lại, thành lập CLB với 20 thành viên. Các chi hội cũng tổ chức đội bóng nữ thu hút chị em luyện tập. Cùng với rèn luyện hằng ngày, đội bóng đá nữ của xã cũng thường xuyên tổ chức giao lưu với đội bóng nữ xã bạn, giúp thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó.

Phụ nữ xã Cư Yang tham gia giải bóng đá trên địa bàn xã.

Nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên phụ nữ, đến nay các cấp hội trên địa bàn huyện Ea Kar đều thành lập, duy trì các loại hình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của hội viên. Trong đó, bộ môn dân vũ thể thao phát triển mạnh mẽ, có sức lan tỏa, thu hút được nhiều độ tuổi, tầng lớp nhân dân tham gia. Chị Thân Thị Oanh, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Ea Kar cho biết, trên địa bàn hiện đã thành lập được 10 CLB Phụ nữ vui khỏe, Phụ nữ khỏe đẹp, Dân vũ thể thao. Đều đặn mỗi sáng và tối, các chị em lại tập trung ở một điểm công cộng như hoa viên, sân hội trường thôn, nhà văn hóa... để cùng tập luyện. Không chỉ vậy, vào các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn hay các hội thi, mọi người lại cùng tổ chức đồng diễn các tiết mục, tạo nên khí thế sôi nổi, khuấy động phong trào phụ nữ ở địa phương.

Không chỉ phát triển các CLB rèn luyện sức khỏe, nhiều cơ sở hội còn tập hợp hội viên, xây dựng các mô hình, CLB gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Đơn cử như mô hình hát Sli (xã Cư Prông), CLB Bản sắc văn hóa dân tộc Thái, CLB Hát then (tại xã Ea Sar), đội chiêng nữ (xã Ea Đar)... Nhờ đó, nhiều nét văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn được người dân nơi đây gìn giữ, tiếp nối.

Hội viên phụ nữ thị trấn Ea Kar tham gia đồng diễn áo dài.

Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea Kar Vũ Thị Thanh Giang, cùng với việc duy trì, phát triển các mô hình, CLB văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thời gian qua Hội LHPN các cấp cũng đã tổ chức nhiều hội thi, cuộc thi có sức lan tỏa mạnh mẽ, từ đó thu hút, tập hợp đông đảo hội viên tham gia. Có thể kể đến cuộc thi “Dân vũ trực tuyến huyện Ea Kar”, cuộc thi ảnh “Duyên dáng áo dài Việt Nam”, “Cán bộ Hội duyên dáng, tài năng”, “Đồng diễn áo dài”, các cuộc thi liên quan đến kiến thức về pháp luật, hôn nhân gia đình, văn nghệ, ẩm thực... Thông qua các hoạt động giúp chị em phụ nữ trở nên mạnh dạn, tự tin hơn, đây là dịp tập hợp, thu hút hội viên tham gia các phong trào phụ nữ, đồng thời lồng ghép tuyên truyền, vận động giáo dục nâng cao nhận thức của hội viên một cách hiệu quả hơn.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.