"Nhập ngũ" cùng sinh viên trong học kỳ quân sự
Giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN) là khóa học mà mọi sinh viên đều trải qua. Những tháng ngày “nhập ngũ” này không chỉ bồi đắp thêm kiến thức quân sự, quốc phòng, mà còn giúp sinh viên trưởng thành, có thêm nhiều trải nghiệm khi khoác lên mình màu áo chiến sĩ.
Sôi nổi luyện rèn
Những ngày này, Trung tâm Giáo dục QP-AN Trường Đại học Tây Nguyên luôn sôi nổi hoạt động học tập, luyện rèn của sinh viên năm nhất Trường Đại học Tây Nguyên. Trên giảng đường, các bạn trẻ chăm chú lắng nghe tiếp thu kiến thức do giảng viên truyền đạt về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Còn ngoài sân tập, một trung đội khác rất hào hứng với việc tập luyện các kỹ năng quân sự.
Sinh viên Nguyễn Thị Bích Ngân (Khoa Nông lâm nghiệp) chia sẻ: “Những ngày đầu học quân sự, thực sự rất bỡ ngỡ vì hàng trăm sinh viên phải vào một guồng chung là nền nếp, khoa học, kỷ luật. Sau những lóng ngóng ban đầu, chúng em đã học được tác phong nhanh nhẹn và nhuần nhuyễn các thao tác cơ bản khi sử dụng súng như tháo lắp băng đạn, đóng mở khóa an toàn, điều chỉnh thước ngắm…”.
Sinh viên học cách tháo lắp súng. |
Còn với sinh viên Đàm Thị Bích (Khoa Nông lâm nghiệp) thì quá trình học môn Giáo dục QP-AN là những trải nghiệm mới mẻ về cuộc sống quân ngũ với giờ giấc, kỷ luật nghiêm ngặt. Điều Bích ấn tượng nhất là các bạn trong cùng đại đội. Đều là sinh viên năm nhất, lần đầu xa nhà, học hai chuyên ngành khác nhau (Công nghệ thực phẩm và Bảo vệ thực vật), nhưng sau một thời gian đồng hành, hai lớp vô cùng thân thiết. Màu áo chiến sĩ không chỉ có nhau trên giảng đường, thao trường, bãi tập mà còn sát cánh trong cả giờ nghỉ, ngày nghỉ. Sinh viên năm nhất, ai cũng hồn nhiên, thích tụ tập đàn hát, chơi thể thao, giúp đỡ nhau trong học tập…
Theo Đại tá Nguyễn Văn Mười, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục QP-AN Trường Đại học Tây Nguyên, trung bình mỗi năm, Trung tâm tổ chức giảng dạy môn học Giáo dục QP-AN cho khoảng 6.000 - 7.000 học sinh, sinh viên. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Giáo dục QP-AN Trường Đại học Tây Nguyên đã giáo dục QP-AN cho khoảng 100 nghìn học sinh, sinh viên thuộc 20 trường đại học, cao đẳng và THPT trên địa bàn tỉnh.
Sau mỗi khóa học tập, rèn luyện, học sinh, sinh viên đã có sự chuyển biến rõ rệt về tác phong, tính kỷ luật. Các bạn trẻ thực sự trưởng thành hơn, có tinh thần trách nhiệm và tính cộng đồng cao hơn. Hơn hết, khóa học đã để lại những dấu ấn đẹp trong đời sinh viên, là hành trang để các em trưởng thành.
Học mà chơi, chơi mà học
Đặc trưng cơ bản về tâm lý chung của lứa tuổi học sinh, sinh viên là hướng động, thích tìm tòi, khám phá, thích trải nghiệm và dám đối mặt với thử thách. Nắm bắt tâm lý này, từ năm 2020, Trung tâm Giáo dục QP-AN Trường Đại học Tây Nguyên đã đưa các trò chơi thể thao quân sự vào công tác giáo dục QP-AN. Đề tài khoa học được ứng dụng thực tiễn này là của Trung tá Lê Viết Quỳnh, Trưởng bộ môn Chính trị, kiêm Trưởng ban Tổng hợp.
Sinh viên chăm chú lắng nghe giảng viên truyền đạt kiến thức về QP-AN. |
Trung tá Lê Viết Quỳnh chia sẻ, từ những nghiên cứu thực tiễn, Trung tâm đã lựa chọn và hệ thống thành hai nhóm trò chơi thể thao quân sự phù hợp với các điều kiện của Trung tâm. Trong không gian phòng học được giới hạn khép kín, có rất nhiều trò chơi đã triển khai, được học sinh, sinh viên ưa thích như: Đuổi hình, bắt chữ; mò kim đáy biển; ai là họa sĩ; tiếp sức… Còn ở không gian học tập ngoài trời thì đa dạng hơn, nhà trường đã vận dụng linh hoạt trên mọi địa hình và được sinh viên rất hào hứng khi tham gia chơi: Tìm người chỉ huy; bảo vệ; chiếm giữ; quan sát, phát hiện mục tiêu… Học mà chơi, chơi mà học, tất cả các hoạt động vui chơi đều có yếu tố kỹ thuật quân sự, từ đó góp phần giúp học sinh, sinh viên thực hành huấn luyện, rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực, trí lực, tinh thần, nhân cách, cũng như tính đoàn kết tập thể.
Tạo môi trường cởi mở, thân thiện cho học viên, Trung tâm thường xuyên tổ chức các hoạt động như: Thi đấu bóng chuyền, kéo co, đồng diễn thể dục, cắm hoa, nấu ăn, tháo lắp súng, văn nghệ, làm báo tường, tìm hiểu truyền thống, pháp luật. Đó là chưa kể, hằng ngày ngoài nội dung học tập chính thức, các em còn được hòa mình trong các hoạt động thể dục sáng, thể thao chiều, văn hóa văn nghệ tối và các hoạt động vui chơi giải trí khác.
Sinh viên Trần Hoàng Thiên Phúc (Khoa Nông lâm nghiệp) cho hay, các giảng viên của Trung tâm rất gần gũi, gắn kết với sinh viên. Gần như buổi chiều nào các thầy cũng tham gia giao lưu bóng chuyền, cùng giao lưu văn nghệ. Niềm vui ấy tạo tâm thế thoải mái, giúp sinh viên thêm có ý chí học tập, luyện rèn trong suốt quãng thời gian học tập quân sự.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc