Nhịp sống mới ở khu tái định cư Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng
Khu tái định cư số 2 (xã Cư Bông, huyện Ea Kar) đang dần hoàn thiện về cơ sở hạ tầng – hứa hẹn sẽ nơi an cư, lạc nghiệp của hơn 500 hộ dân trong diện di dời để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng.
Tập trung nhân lực, máy móc thi công hạ tầng
Triển khai Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng phải di dời 810 hộ dân, trong đó riêng khu vực lòng hồ Krông Pách thượng di dời 720 hộ, còn lại là 90 hộ tại khu vực hồ Ea Rớt. Ngoài ra còn hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng.
Để ổn định cuộc sống cho người dân thuộc diện di dời triển khai dự án này, tỉnh đã bố trí hai khu tái định cư (TĐC) tại xã Cư Elang và Cư Bông (huyện Ea Kar). Đây là những khu vực đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định về nơi ở TĐC tốt hơn so với nơi ở cũ của người dân. Trong đó, đến thời điểm hiện tại, khu TĐC số 1 (thôn Yang San, xã Cư Elang, huyện Ea Kar) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, gần 300 hộ dân thuộc diện di dời đã ổn định cuộc sống. Còn khu TĐC số 2 (xã Cư Bông, huyện Ea Kar) đang được chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm điều kiện về mặt bằng để người dân thuộc diện di dời đến đây xây dựng nhà cửa, từng bước ổn định cuộc sống.
Với diện tích hơn 90 ha, quy mô hơn 500 thửa đất, khu TĐC số 2 được đánh giá là khu quy hoạch TĐC tiên tiến nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tính đến thời điểm hiện tại, với hệ thống điện, đường, trường, trạm đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân vùng dự án.
Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Phan Xuân Bách (thứ ba từ trái sang) báo cáo về tiến độ xây dựng tại khu tái định cư số 2 với Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |
Tính đến cuối tháng 3/2023, nhiều hạng mục tại khu TĐC số 2 đã và đang dần được hoàn thiện, đủ điều kiện cấp đất ở cho gần 500 hộ dân, đồng thời, đáp ứng nhu cầu dung nạp cho tất cả các hộ trong kế hoạch cưỡng chế của dự án. Cụ thể, đã hoàn thành 3 điểm trường mầm non; còn các hạng mục phân hiệu trường tiểu học và trung học cơ sở hiện đã hoàn thành kết cấu phần thô, dự kiến trong tháng 5/2023 sẽ hoàn thành toàn bộ công trình; hạng mục trạm y tế đang hoàn thiện phần móng, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2023; hạng mục điện đã hoàn thành phần đường dây, trạm biến áp và đã cấp điện cho các hộ dân TĐC, còn lại phần đấu nối điện đến các hộ dân được triển khai đồng thời theo số hộ dân về TĐC; hạng mục đường giao thông đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 2,6 km mặt đường bê tông xi măng, hoàn thiện toàn bộ nền đường các trục chính đảm bảo đủ điều kiện lưu thông và sẽ hoàn thành toàn bộ công trình trong tháng 6/2023.
Mới đây, trong chuyến kiểm tra thực tế tại khu TĐC số 2, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Hải Thanh đánh giá đây là khu TĐC có cơ sở hạ tầng rất tốt, từ đường giao thông đến hệ thống điện lưới, trường học… Đến thời điểm hiện tại, số hộ dân di dời về khu TĐC khá đông, do đó Cục trưởng Nguyễn Hải Thanh đề nghị chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu huy động máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, tạo điều kiện tốt nhất về chỗ ở cho người dân. Bảo đảm nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, có hạ tầng đồng bộ, thống nhất, hiện đại. Đồng thời chủ đầu tư cần tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương vận động các hộ dân nhận tiền và bàn giao mặt bằng, đồng thuận di dời đến khu TĐC, nhất là trước thời điểm mùa mưa năm nay.
An cư trên vùng đất mới
Đến đầu tháng 4/2023, gần 200 hộ dân đã đến khu TĐC xây dựng nhà cửa, bắt đầu quen dần với cuộc sống trên vùng đất mới. Là hộ dân đầu tiên xung phong về khu TĐC số 2, đến nay vợ chồng chị Ngô Thị Hoa, anh Ngô Văn Năng đã ổn định cuộc sống và hoạt động kinh doanh, buôn bán. Với 1.000 m2 gồm đất ở và đất vườn, vợ chồng chị đã xây dựng nhà ở và một cửa hàng lớn, buôn bán vật liệu xây dựng, hàng tạp hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân tại khu TĐC. Chị Hoa chia sẻ, tháng 4/2022, sau khi nhận tiền hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng từ chủ đầu tư và được chính quyền địa phương vận động, vợ chồng chị đã đồng thuận di dời từ thôn 10, xã Cư San (huyện M’Drắk) về khu TĐC. Tại nơi ở cũ, gia đình chị cũng kinh doanh, buôn bán nhưng do đường sá đi lại khó khăn, chi phí vận chuyển hàng hóa rất tốn kém. Về khu TĐC số 2 đường nhựa thẳng tắp ngay trước nhà, điện, nước đầy đủ, hoạt động buôn bán dễ dàng, thuận tiện hơn nhiều. Chị tin tưởng rằng, không lâu nữa, cuộc sống của bà con trên vùng đất mới sẽ ấm no, đầy đủ hơn nơi ở cũ.
Đường giao thông tại khu tái định cư số 2 đã được bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa. |
Cạnh nhà chị Hoa, gia đình anh Hạng Seo Hờ mới chuyển về khu TĐC số 2 từ cuối tháng 3 vừa qua. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình anh đang dựng nhà trên mảnh đất được bố trí tại khu TĐC số 2. Do điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nên vợ chồng anh tận dụng căn nhà gỗ chuyển từ Cư San về dựng tại nơi ở mới. Anh Hờ chia sẻ, về đây địa hình bằng phẳng, đi lại thuận tiện hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, hiện nay, trường tiểu học và trung học cơ sở chưa xây dựng xong nên khi gia đình chuyển về đây, các con anh phải xin học ở xa. Anh mong rằng chủ đầu tư sớm hoàn thiện hạ tầng, nhất là trường học, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi di dời về khu TĐC. Đồng thời, sớm bố trí đất sản xuất để bà con an cư, lạc nghiệp trên mảnh đất mới này.
Tại buổi Lễ chặn dòng Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, quan điểm của Bộ đối với việc xây dựng các khu TĐC phải đảm bảo đồng bộ về hạ tầng, chỗ ở và bố trí đất sản xuất cho người dân. Khi chọn đất TĐC phải rộng, phù hợp quy hoạch, đảm bảo thuận tiện cho giao thông. Đơn cử, như khu TĐC số 2 của Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng cách đường chính chỉ vài trăm mét, ngoài ra khu vực này cũng có cao tốc chạy qua nên rất thuận tiện cho việc đi lại, giao thương hàng hóa. Thực tế, ở nước ta đã từng có việc chỉ xây nhà cho người dân ở khu TĐC, thậm chí xây giống nhau; có trường hợp không phù hợp với văn hóa của người dân. Còn đối với dự án này, chỉ bố trí đất, còn việc xây nhà thì để người dân làm phù hợp theo văn hóa của họ, nhờ vậy được người dân đồng thuận cao.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc