Multimedia Đọc Báo in

Thế giới mạng: “Chạm” để đọc !

13:10, 26/04/2023

Có thể nói trong thời đại công nghệ, việc sử dụng Internet để thực hiện ý tưởng của mình chỉ phải chi phí rất thấp mà hiệu quả mang lại rất cao.

Tham gia vào cuộc chơi này, nhiều người cho rằng, mục đích không chỉ để thể hiện mình, để quảng bá và giao lưu mà họ còn xem đó như là một trong những phương cách lưu trữ tác phẩm bền vững, vô tận và an toàn nhất.

Theo thống kế của trang tìm kiếm Google, đến nay Việt Nam đã có trên dưới 10 triệu trang web, blog, forum... chuyên nghiệp hoặc được thiết lập, nhất là trong địa hạt văn học - nghệ thuật, qua đó cung cấp cho bạn đọc trên mạng khối lượng tác phẩm đáng kể, nếu không nói là vô cùng. Một bloger tâm sự: Có không ít trang đạt số lượng truy cập vượt quá 7 con số chỉ sau một thời gian ngắn hình thành. Có những trang thu hút khách “ghé thăm” gần như 24/24 giờ. Và chính từ thế giới ảo mênh mông và vô tận này, người yêu văn học - nghệ thuật có thể tìm kiếm được gần như bất cứ tác phẩm nào mình thích bằng một lệnh đơn giản kèm theo một cú nhấp chuột (!) Thậm chí gần đây, không ít tác phẩm văn chương có tiếng tăm được bạn đọc sở hữu trên mạng chỉ sau một vài giờ (thậm chí vài phút) khi nó được in ấn và phát hành chính thức.

Ảnh minh họa: freepik.com

Nhờ công nghệ thông tin mà  người viết cũng như bạn đọc không những thỏa mãn ý thích của mình trên mạng, mà gần đây còn xuất hiện xu hướng các tác phẩm văn chương - nghệ thuật “chảy ngược” từ thế giới ảo ra đời thực. Đã có không ít người sáng tác trực tiếp (trực tuyến) trên blog hoặc website - có nghĩa là vừa viết vừa cho “bàn dân thiên hạ” thưởng thức, góp ý để từ đó có sự chỉnh sửa phù hợp, đến khi vừa ý thì lấy ra in ấn và xuất bản. Cũng có người không hề có ý định dự phần vào cuộc chơi trên, chỉ viết ra như một cách để giãi bày, nhưng khi viết xong thì “đổi ý”, hay nói đúng hơn là thấy có ý nghĩa/có ích, bèn biến những trang mạng của mình thành sách hẳn hoi. Những năm gần đây, phong trào lập website, blog của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, thậm chí là nhà quản lý, doanh nhân bùng nổ mạnh mẽ. Và dĩ nhiên trong thế giới ảo đó, bạn đọc cũng tìm thấy và cảm thụ vô số thông tin, kiến thức bổ ích nhằm làm giàu thêm vốn kiến thức cho mỗi người. 

Theo anh Trần Minh Nhựt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ (TP. Hồ Chí Minh), nắm bắt xu thế trên, một số nhà xuất bản trên nhiều lĩnh vực đã quan tâm nhiều hơn đến thế giới ảo này và tìm cách đưa nó về với đời sống thực. Đến nay đã có không ít tác phẩm (văn chương, nghệ thuật, khoa học, triết học…) tỏ ra khá thành công trước sự chu chuyển hiện đại và tiện ích ấy. Nhờ vậy, bạn đọc bất kỳ giai tầng, tuổi tác nào cũng có thể “chạm” vào các thiết bị công nghệ thông minh để thỏa mãn nhu cầu của mình. Chưa ai đoán chắc dòng chảy tri thức từ thế giới ảo kia sẽ còn khai ngòi, mở lạch về hướng nào và ở mức độ ra sao, nhưng thực tế đang cho thấy rằng, sự chu chuyển giữa “hai thái cực” ấy hiện vẫn đang diễn ra ngày càng ráo riết trong khát khao tìm tòi, khai mở của nhiều người trước đời sống hiện đại ngày nay.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.