Multimedia Đọc Báo in

Cài đặt tài khoản định danh điện tử tại huyện Lắk: Còn nhiều khó khăn

07:49, 11/05/2023

Mặc dù huyện Lắk đã có nhiều nỗ lực trong việc hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia nhưng đến nay, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn.

“Rào cản” do trình độ, cơ sở vật chất

Thời gian qua, Công an huyện đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và Huyện Đoàn triển khai kế hoạch phối hợp phát huy vai trò xung kích của thanh niên, phụ nữ các cấp trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Công an huyện thành lập 35 tổ công tác, tổ công nghệ số cộng đồng từ cấp huyện đến xã để thực hiện. Trong đó, có hai tổ của cấp huyện tổ chức đăng ký và kích hoạt lưu động trên địa bàn các thôn, buôn, tổ dân phố (hiện nay đang phối hợp với công an các xã để thực hiện).

Đông đảo người dân xã Krông Nô đến làm căn cước công dân và cài đặt tài khoản định danh điện tử mức độ 2.

Theo kết quả rà soát, địa phương hiện có gần 41.000 thuê bao di động, trong đó có gần 21.000 thuê bao đã chuẩn hóa (đã đăng ký chính chủ, cập nhật căn cước công dân/chứng minh nhân dân). Tuy nhiên, đến cuối tháng 4, chỉ kích hoạt được 12,4% tổng số tài khoản, chủ yếu đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Huyện Lắk có hơn 77.300 nhân khẩu thường trú, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số trên 66%. Một trong những nguyên nhân chính khiến tốc độ cài đặt tài khoản định danh điện tử còn chậm là do thiếu thiết bị di động thông minh và trình độ của một bộ phận người dân còn hạn chế.

Như trường hợp chị H’Thảo Pang Ting (buôn Rơ Cai A, xã Krông Nô). Cuối tháng 4 vừa qua, chị được Công an xã Krông Nô tuyên truyền đến trụ sở UBND xã để cài đặt tài khoản định danh điện tử mức độ 2, nhưng loay hoay một buổi mới làm xong. Chị chia sẻ, do số lượng người đến cài đặt định danh điện tử tại UBND xã rất đông, bản thân cùng gia đình chỉ có một chiếc điện thoại dùng chung chủ yếu để liên lạc. Chị chưa từng sử dụng các tính năng phần mềm, lại không biết công nghệ nên mặc dù các cán bộ đã làm giúp từ đầu đến cuối nhưng vẫn tốn rất nhiều thời gian để cài đặt.

Thiếu tá Lê Văn Công, Trưởng Công an xã Krông Nô cho hay, việc bà con không có trình độ sử dụng các phần mềm là tình trạng chung xảy ra trên địa bàn xã. Cùng với đó, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh ít nên rất nhiều trường hợp đã đăng ký, được duyệt nhưng không cài đặt ứng dụng và kích hoạt tài khoản do phiên bản thấp và thuê bao chưa được chuẩn hóa. Chính vì vậy, không thể thay đổi việc “làm thay, làm hộ” sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số, các cán bộ vẫn phải trực tiếp cầm điện thoại người dân để cài đặt làm tốn nhiều thời gian.

Người dân không “mặn mà”

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Dương, Phó Trưởng Công an huyện Lắk, ứng dụng VNeID (ứng dụng của Bộ Công an nhằm thay thế các giấy tờ định danh công dân) chưa phát huy hết tác dụng, nhiều tiện ích chưa được xác thực và sử dụng thành công nên người dân chưa nhận thấy sự tiện lợi và ít quan tâm kích hoạt. Cụ thể, các cơ quan có cung cấp dịch vụ công và giao dịch liên quan như ngân hàng, đất đai… chưa sử dụng những tiện ích đã xác thực trên VNeID để phục vụ giao dịch, người dân vẫn phải nộp bản giấy nên không "mặn mà" với ứng dụng.

Đoàn viên, thanh niên xã Buôn Tría (huyện Lắk) hướng dẫn người dân cài đặt tài khoản định danh điện tử.

Bên cạnh đó, việc kết nối các hệ thống chuyên ngành, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành với địa phương còn nhiều khó khăn, chưa thực sự thông suốt (hạ tầng, công nghệ, đặc biệt đối với hệ thống xây dựng đã lâu, chưa kịp thời cập nhật, điều chỉnh theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành). Quá trình liên kết và cung cấp, trao đổi thông tin giữa các hệ thống còn gặp tình trạng chậm, chưa kịp thời; đồng bộ trạng thái dữ liệu giữa các phần mềm (tư pháp – công an – bảo hiểm với phần mềm liên thông và cổng dịch vụ công trong hai nhóm dịch vụ công liên thông) chậm, lỗi, ảnh hưởng tới thời gian giải quyết thủ tục hành chính và chưa hoàn chỉnh các tính năng.

Thượng tá Nguyễn Văn Dương cho biết, để khắc phục những khó khăn trên, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phát huy tác dụng của các tổ công tác, tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn, cài đặt và kích hoạt tài khoản định danh điện tử đến từng xã, thôn, buôn. Trên cơ sở danh sách cán bộ, công chức, viên chức, đơn vị sẽ phối hợp đôn đốc và kiểm tra tiến độ cài đặt, kích hoạt tài khoản. Ngoài ra, sẽ thành lập thêm hai tổ công tác lưu động để đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Tham mưu UBND huyện chỉ đạo quyết liệt, có kiểm tra, chấn chỉnh thường xuyên; giao chỉ tiêu cho từng đơn vị, địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, phối hợp các nhà mạng để chuẩn hóa và nâng cao tỷ lệ thuê bao di động đã xác thực phục vụ đăng ký, kích hoạt định danh điện tử. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về những lợi ích thiết thực mà ứng dụng định danh điện tử mang lại nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong cài đặt tài khoản.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.