Multimedia Đọc Báo in

Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái

08:24, 22/05/2023

Với vai trò nòng cốt, cầu nối trong các hoạt động nhân đạo, thời gian qua, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, qua đó giúp đỡ kịp thời những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương trong cuộc sống với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Sự hỗ trợ thiết thực

Những ngày này, các cấp Hội CTĐ trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai các hoạt động của Tháng Nhân đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nguồn lực, xây dựng quỹ nhằm hỗ trợ người nghèo, các đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng.

Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Ayun H’Hương cho biết, thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, năm 2018 là năm đầu tiên Hội CTĐ Việt Nam tổ chức thí điểm Tháng Nhân đạo vào tháng 5.

Tại Đắk Lắk, qua 5 năm triển khai (2018 - 2022) đã vận động, trợ giúp được 83.632 lượt đối tượng với tổng trị giá trên 28,2 tỷ đồng. Hưởng ứng Tháng Nhân đạo năm nay, các cấp Hội, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện với tinh thần mỗi người, mỗi tuần thực hiện một hoạt động nhân đạo, mỗi đơn vị là một địa chỉ nhân đạo.

Người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở TP. Buôn Ma Thuột nhận quà tại lễ hưởng ứng phát động Tháng Nhân đạo cấp tỉnh năm 2023.

Tại các lễ phát động và lễ hưởng ứng phát động Tháng Nhân đạo cấp tỉnh năm 2023 vừa diễn ra tại một số địa phương, bên cạnh những căn nhà và hàng trăm suất quà trao đến tay người dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, đã có trên 400 triệu đồng được các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong tỉnh ủng hộ, trợ giúp nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả động đất. Chị H’Hạnh Êban (buôn Krông B, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự, gia đình chị thuộc hộ nghèo, ít đất sản xuất, chồng làm công nhân còn chị chăn nuôi heo, đi làm thuê kiếm tiền nuôi ba con nhỏ. Trong Tháng Nhân đạo năm nay, gia đình chị may mắn được nhận quà của Hội CTĐ tỉnh, đây là sự sẻ chia khó khăn và động viên tinh thần đáng quý đối với gia đình chị cũng như những người nghèo.

 

Sự chung tay vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng sự sẻ chia, tương thân tương ái của các tổ chức, cá nhân đã góp phần chăm lo trợ giúp cho người nghèo, những đối tượng dễ bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái”.

 
Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê

Cùng với các hoạt động cao điểm trong Tháng Nhân đạo, trong những năm qua, Hội CTĐ tỉnh luôn khẳng định được vị trí quan trọng và vai trò tiên phong trong việc giúp đỡ người nghèo, người yếu thế. Các hoạt động nhân đạo của Hội ngày càng có sức lan tỏa, hỗ trợ kịp thời, đúng địa chỉ với những hoàn cảnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh... Chỉ tính riêng trong năm 2022, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã vận động được trên 93 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động nhân đạo.

Nâng cao hiệu quả hoạt động nhân đạo

Đến nay, nhiều dự án, cuộc vận động, phong trào mang lại hiệu ứng tích cực như: “Ngân hàng bò”, “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” (nay là “Tết Nhân ái”)...

Đặc biệt, hoạt động của Hội đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền. Tại phong trào “Tết Nhân ái Xuân Quý Mão năm 2023”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, thư ngỏ kêu gọi và giao cho Hội CTĐ tỉnh là đơn vị chủ trì vận động thực hiện.

Nhờ đó, phong trào thu hút sự hưởng ứng, tham gia của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã vận động và trao 71.424 suất quà trị giá gần 27 tỷ đồng (vượt 51.424 suất so với kế hoạch Trung ương giao) cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, thiên tai, người khuyết tật, người bị nhiễm chất độc da cam..., giúp họ có một cái Tết đầm ấm hơn.

Người dân có hoàn cảnh khó khăn xã Yang Reh (huyện Krông Bông) nhận quà Tết tại chương trình “Tết Nhân ái Xuân Quý Mão năm 2023”.

Để triển khai hiệu quả cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Hội CTĐ tỉnh đã tiến hành khảo sát và lập danh sách những địa chỉ nhân đạo, thống kê các hộ nghèo, những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần giúp đỡ; từ đó chủ động xây dựng kế hoạch vận động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đối tượng như: trợ cấp thường xuyên, khám chữa bệnh, tặng quà, xây nhà, cấp học bổng, hỗ trợ vốn sản xuất và phát triển chăn nuôi... Thông qua cuộc vận động, đến nay, các cấp Hội CTĐ và các tổ chức, cá nhân đã trợ giúp trên 1.500 địa chỉ.

Có thể thấy, bằng những cách làm thiết thực, Hội CTĐ tỉnh đã và đang phát huy vai trò của mình, chung tay mang yêu thương đến với người nghèo, người dễ bị tổn thương trên khắp địa bàn tỉnh, để cùng nhau chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.