Người võ sư tha thiết với múa lân sư rồng
Bao năm qua, võ sư Nguyễn Thái đã âm thầm ươm mầm, xây dựng những cơ sở đào tạo ở khắp nơi để bảo tồn, gìn giữ và phát triển bộ môn múa lân sư rồng, đưa bộ môn này trở thành môn nghệ thuật biểu diễn phục vụ đông đảo người dân.
Lấy nhân nghĩa làm tôn chỉ
Đoàn võ thuật lân sư rồng Nhân Nghĩa Đường được võ sư Nguyễn Thái sáng lập năm 1996 và đi vào hoạt động chuyên nghiệp năm 2005, có trụ sở tại 69/2 đường Tây Sơn, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột). Tôn chỉ, mục đích của Nhân Nghĩa Đường là "nhân nghĩa", lấy võ thuật làm nền tảng để phát huy, lấy kỷ luật để làm tiêu chí đào tạo. Võ sinh nhập môn phải học thuộc 10 điều môn quy thấm nhuần tư tưởng, đạo đức nhân nghĩa; phải có lòng biết ơn, luôn chăm chỉ, suy nghĩ, học hỏi và không ngừng sáng tạo.
Võ sư Nguyễn Thái thường nói với võ sinh và con cái: “Chúng ta được hưởng cuộc sống bình yên như thế này là nhờ sự hy sinh lớn lao của bao thế hệ cha ông đi trước. Vì vậy chúng ta phải học tập thật tốt, tạo ra những sản phẩm tốt cho xã hội, tránh xa các tệ nạn. Nơi các trò nên đến đó là nhà ông bà, cha mẹ, nhà thầy cô, nhà trường. Nhà thương (bệnh viện) thỉnh thoảng phải đến, tuyệt đối không đến nhà tù”.
Tiết mục múa rồng của đoàn võ thuật lân sư rồng Nhân Nghĩa Đường. |
Theo võ sư Nguyễn Thái, tuyển vận động viên cho biểu diễn lân sư rồng là khó nhất. Thời gian đầu, hầu hết 100% là võ sĩ, sau các bạn thích múa lân thì phải tập bổ trợ thể lực. Ngoài việc tuyển chọn chính thức, Nhân Nghĩa Đường cũng thường xuyên tiếp nhận các học viên lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa, bất mãn gia đình đến xin nhập môn. Đây là những trường hợp rất khó xử, nhưng theo võ sư Thái: “Không còn chỗ đi thì các em tìm đến, mình không cho ở thì chẳng khác tiếp tay đẩy các em vào bước đường cùng. Các em có thể làm liều, hoặc sinh trộm cắp thì càng tệ hơn. Chính vì vậy, chúng tôi đón nhận chỉ thêm vài cái chén, nấu thêm bát gạo, giúp các em lúc ngặt. Các em thức tỉnh được rồi, đi đâu thì đi, nhưng đa số đều ở lại học nghề cho tới khi đi theo tiếng gọi của tình yêu, nhiều trường hợp trưởng thành nay an bề gia thất và có cuộc sống tốt đẹp”.
Hết lòng với lân sư rồng
Hầu hết những người tập lân sư rồng ở Nhân Nghĩa Đường là học sinh, sinh viên, lao động phổ thông nên việc tập luyện chỉ tranh thủ buổi tối. Vì vậy, võ sư Nguyễn Thái phải soạn bài tập chuẩn bị thể lực phù hợp với từng vận động viên.
Võ sư Nguyễn Thái. |
Theo võ sư Nguyễn Thái, phải có đủ đam mê, đủ sức khỏe mới theo được giáo án huấn luyện. Lân sư rồng không cần sức mạnh, tốc độ như võ đối kháng mà chú trọng đến sức bền. Ông lấy ví dụ bài thi của Karate chỉ có 3 phút, còn bài múa lân tới gần 10 phút. Kỹ thuật cơ bản là nền tảng quan trọng như các bộ pháp, sức mạnh các nhóm cơ lưng, cơ cổ, cơ đùi, cơ bàn chân, các nhóm cơ này phải khỏe mới thi triển các kỹ thuật múa lân sư rồng được. Ngoài ra, biểu cảm rất quan trọng, phải diễn cho người xem con lân đang làm gì, nói lên cái gì, thuộc trường phái nào, miền nào… Để hoàn thành một bài diễn khó như Mai Hoa Thung trong các cuộc thi, lân phải nhảy múa, nhào lộn trên 21 trụ cao, rất dễ bị tai nạn. Vì vậy vận động viên phải được rèn luyện, chuẩn bị thể lực, tâm lý tốt, phải tập trung cao độ. Vì thế, các bài biểu diễn lân sư rồng của Nhân Nghĩa Đường để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với khán giả tại nhiều chương trình biểu diễn.
Đoàn võ thuật lân sư rồng Nhân Nghĩa Đường của võ sư Nguyễn Thái đã có cả nghìn võ sinh theo học; các bạn trai khỏe mạnh đủ điều kiện thì cho tập múa lân, sư, rồng, các bạn yếu hơn hay con gái thì múa cheng, trống hội, múa rồng, phụ trách đánh nhạc cụ... Ai thích hợp chỗ nào thì bố trí việc ấy.
Võ sư Nguyễn Thái mở nhiều cơ sở vừa đào tạo Karate kết hợp múa biểu diễn lân sư rồng tại Nhà văn hóa Lao động Đắk Lắk; Trung tâm Hướng nghiệp và dạy nghề Phan Chu Trinh; Câu lạc bộ Trường Đại học Tây Nguyên, mở ở cả các tỉnh Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh. Các đoàn lân lớn như: Hoa Phước Đường (quận 9, TP. Hồ Chí Minh); Vĩnh Anh Đường (Thanh Hóa); Thiên Ân Đường, Hồng Phước Đường (TP. Buôn Ma Thuột)… đều do những thành viên từng tập luyện, biểu diễn và trưởng thành từ Nhân Nghĩa Đường thành lập.
Võ sư Nguyễn Thái hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Lân sư rồng Việt Nam. Ông mong ước sẽ tổ chức được các giải đấu lân sư rồng các cấp, đưa bộ môn lân sư rồng vào tranh tài ở SEA Games, phát triển bộ môn này ra thế giới trên nền tảng võ thuật Việt Nam, cụ thể là Việt võ đạo và võ cổ truyền Việt Nam.
Trương Nhất Vương
Ý kiến bạn đọc