Ở cực tây Điện Biên...
Điện Biên Phủ - chiến trường xưa, sau gần bảy thập niên nay đã là một đô thị sầm uất. Cánh đồng Mường Thanh vẫn ngút xanh với giống lúa cho hạt gạo thơm ngon nhất vùng Tây Bắc.
Cây xanh trong những nghĩa trang ở thành phố đã thành cổ thụ, phủ bóng lên mộ phần những liệt sĩ Điện Biên. 20 năm qua, chúng tôi nhiều lần trở lại miền cực tây Điện Biên - vùng đất heo hút nhất của Việt Nam và nhận ra, những gì đang diễn ra trên vùng đất này cũng vĩ đại không kém gì máu xương đã đổ xuống ở Điện Biên Phủ ngày trước.
Đổi thay ở bản giáp biên
Tá Miếu hẳn là cái tên mà ai đã chinh phục mốc cực tây Việt Nam đều biết rõ bởi có đỉnh núi Khoang La San, nơi dựng cột mốc số 0 ba mặt giáp ba nước Việt – Lào – Trung dựng trên đỉnh núi này.
Một góc TP. Điện Biên Phủ và Bảo tàng Điện Biên hôm nay. |
Bản Tá Miếu thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, có 10 km đường biên giáp Lào và 10 km đường biên giáp Trung Quốc. Chúng tôi đến với cực tây lần đầu tiên từ 10 năm trước. Cung đường từ thành phố đến huyện lỵ Mường Chà chỉ 50 km, từ Mường Chà đi vào tới bản Tá Miếu cũng chỉ hơn 200 km, nhưng xuất phát từ thành phố Điện Biên Phủ từ 5 giờ sáng, cũng phải gần 21 giờ đêm chúng tôi mới tới được Đồn Biên phòng A Pa Chải sau nhiều lần suýt lạc đường. Chỉ 15 năm trước thôi, cả khu vực này không điện sáng, không sóng điện thoại, những đồi cỏ tranh hoang vu trải dài dưới chân núi Khoang La San.
Từ đó đến nay, nhiều lần trở lại vùng biên viễn này, chúng tôi nhận ra những đổi thay mới dọc theo đường biên. Tá Miếu là bản chung biên giới với Lào và Trung Quốc, bên phía giáp Lào mênh mông rừng thẳm nhưng ở phần giáp biên với Trung Quốc, từ lâu nay người dân hai bên biên giới đã tổ chức những phiên chợ ở “lối mở” A Pa Chải – gọi là “lối mở” vì nó chưa được nâng cấp thành cửa khẩu, nhưng sự giao thương đã thu hút hàng nghìn người dân hai bên vào mỗi ngày phiên được tính mỗi tháng họp chợ ba lần vào những ngày mùng 3, 13 và 23 mỗi tháng. Bên kia, giáp với Tá Miếu là bản Long Phú, hương Khúc Thủy của huyện Giang Thành (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Dọc tuyến đường lên biên có những dãy nhà tạm nhưng được lắp điều hòa nhiệt độ, cạnh đó là những bãi container ngổn ngang. Tất cả chỉ là những nét chấm phá của một phác thảo chưa thành hình, nhưng cũng toát ra thông điệp về một cực tây không còn biệt lập.
Cực tây không chỉ hứa hẹn sự thông thương quốc tế, thoát khỏi sự biệt lập mà còn đang khát vọng trở thành một điểm đến mới của du khách. 15 năm trước, khi chúng tôi lên đây, chỉ thi thoảng gặp vài nhóm du khách lẻ tẻ thì giờ đây, trên cung đường Quốc lộ 4H dễ thấy những chuyến xe ngược lên cực tây. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn bề thế dựng ngay phía trái cổng đồn, Trung tá Đặng Văn Tuấn, Đồn trưởng đồn A Pa Chải cho biết: Cứ sau Tết cho đến đầu mùa mưa là “mùa Điện Biên - mùa cực tây”, rất đông các đoàn khách, nhất là các nhóm bạn trẻ từ nhiều miền đất nước tìm lên đây để thỏa mãn giấc mơ “4 cực – 1 đỉnh” (cực đông – tây – nam – bắc và đỉnh Fansipan) và hầu hết, cực tây là điểm cuối của “bộ sưu tập chinh phục”. Trung tá Tuấn cho chúng tôi xem mô hình dự án mới đang xin phép Chính phủ triển khai thực hiện tại cột mốc 0 này: mở rộng sân mốc và xây dựng điểm ngắm cảnh tại mốc giao điểm đường biên giới ba nước. Sân mốc có hình tròn, diện tích 255 m2, bán kính 9 m, phần sân mốc hướng về mỗi quốc gia thể hiện bản đồ du lịch từ mốc giao điểm đến thủ đô mỗi nước và có lan can bảo vệ xung quanh được thiết kế bằng đá cẩm thạch. Với vị trí đặc biệt của mình, cực tây A Pa Chải chắc chắn sẽ đón lượng du khách đông đảo không thua gì Lũng Cú (cực bắc) hay mũi Cà Mau (cực nam), mũi Đôi (cực đông).
Gắn bó với vùng biên
Hơn 10 năm trước, trong Chương trình “Quà xuân biên giới” dành tặng thầy trò các trường vùng biên ải cực tây, tôi nhớ mãi hình ảnh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) Sín Thầu với dãy phòng học trống huơ hoác, mái lợp bạt xanh, các lớp học thông thống nhau, tiếng giảng bài ở phòng đầu có thể vang vọng tới phòng cuối. Lần trở lại này, khi ngang qua Trường PTDTNT Sín Thầu, trên nền cũ của lớp học che bằng bạt nhựa năm nào vừa mọc lên một ngôi trường mới hai tầng rất khang trang. Thầy hiệu trưởng cho biết, trường vừa được xây mới mấy năm, gần 90 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 đang theo học với 53 em đang nội trú.
Du khách đến với lễ hội của người Hà Nhì ở cực tây Điện Biên. |
Hơn 10 năm trước, nhiều thầy cô nhà trường tuy là quê Điện Biên, đi dạy trong tỉnh nhưng khoảng cách từ trường về tới nhà xa đến 250 - 300 km. Nhiều thầy cô khác quê như ở Thanh Hóa, Sơn La thì đường về quê càng xa xôi hơn. Ngày ấy, trong căn phòng tạm bợ, cô giáo Tòng Thị Đại ôm con nhỏ bảo, trước mắt thì cứ đi dạy, ít nhất có đồng lương nuôi con, còn tương lai thế nào, gắn bó với cực tây hay không chưa biết. Lần trở lại này, chúng tôi gặp cô Đại ngay lúc cô chuẩn bị vào tiết dạy. Nhắc lại câu chuyện năm nào trong căn phòng tập thể quây bằng vải bạt, nền lót tấm nhựa che chắn hơi ẩm bốc lên từ nền đất, cô Đại cười khoe: “Bọn em đã xây nhà mới, quyết tâm gắn bó với cực tây, không “dao động” như hồi gặp các anh đâu”.
Chồng cô Đại là thầy Lò Văn Thanh, giáo viên dạy âm nhạc của trường đưa chúng tôi ghé thăm tổ ấm của vợ chồng. Vợ chồng thầy Thanh được xã cho mượn đất, gom góp hơn 200 triệu đồng xây nhà. Ngôi nhà nằm ngay bên Quốc lộ 4H, không rộng lắm nhưng khang trang, gần trường. Có vườn rau và hồ cá nhỏ, trước nhà, thầy Thanh trồng dâu tây vào những chậu nhựa xanh mơn mởn. An cư thì lạc nghiệp, không chỉ riêng vợ chồng cô Đại, thầy Thanh, nhiều thầy cô khác trong trường cũng đã làm nhà kiên cố trên mảnh đất cực tây này như một thông điệp tin cậy với vùng đất vốn heo hút nơi biên viễn.
Lê Đức Dục
Ý kiến bạn đọc