Bài học về kỹ năng sống
Ngày 9/6 vừa qua, bốn chị em ruột người Colombia từ 1 - 13 tuổi đã được tìm thấy sau 40 ngày mất tích giữa rừng rậm Amazon.
Trước đó, ngày 1/5, cả bốn đứa trẻ đang cùng mẹ đi trên chuyến bay chở 6 hành khách và phi công thì gặp nạn. Trong khi mẹ và những người khác trên máy bay thiệt mạng, những đứa trẻ đã sống sót trong rừng bằng cách ăn trái cây và hạt. Thông tin này khiến tất cả mọi người ngạc nhiên, sửng sốt và vỡ òa cảm xúc vì sức sống phi thường của con người. Câu chuyện này cũng là bài học lớn về kỹ năng sinh tồn.
Theo thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kỹ năng của Lesly (13 tuổi) đã giúp em và Soleiny Jacobombaire Mucutuy (9 tuổi), Tien Ranoque Mucutuy (4 tuổi) và bé Cristin Ranoque Mucutuy (11 tháng tuổi) sống sót kỳ diệu giữa đói khát và muôn vàn mối đe dọa. Những đứa trẻ đã biết trú ẩn để tránh bị rắn và các loại thú tấn công. Cô chị cả Lesly còn biết cách dựng lều giữa rừng. Cha của bốn đứa trẻ - ông Manuel Ranoque còn kể với báo chí rằng, con gái Lesly của mình có thể tìm thấy rau, trái cây để làm thức ăn. Em còn biết cách bắt cá và nhận biết được loại trái rừng nào không thể ăn vì có độc. Ngoài ra cô bé cũng biết cách chăm em nhỏ một cách thành thạo.
Câu chuyện sống sót kỳ diệu của bốn đứa trẻ quả là một điều hết sức may mắn. Tuy nhiên, chuyện này cũng cho thấy kỹ năng sinh tồn tuyệt vời của các em nhỏ. Quả thật, phải có kỹ năng sống đến mức điêu luyện thì cô bé tuổi 13 mới có thể tự bảo vệ, chăm sóc mình và ba đứa em giữa rừng sâu với đầy thú hoang và không có lửa, đồ ăn, nước uống. Điều này cho thấy, việc trang bị kỹ năng sinh tồn cho trẻ em là cực kỳ quan trọng. Được biết, ở nhiều nước như tại Mỹ, phụ huynh thường cho con tham gia các khóa hướng đạo sinh hoặc trại hè. Theo đó, các em nhỏ sẽ tích lũy được những kỹ năng sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt, có kỹ năng tổ chức, sống có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Ngày cuối cùng của trại hè, các học sinh nam sẽ trải qua một đêm trong rừng. Để được công nhận hoàn thành khóa học, các em phải biết tự xây dựng một nơi trú ẩn tạm thời bằng những vật liệu tự nhiên, tự tạo ra lửa, biết phân biệt những loại quả dại, hạt khô có thể ăn được… Tương tự, học sinh tại Nhật Bản, Hàn Quốc hằng năm được tham dự các buổi tập huấn về kỹ năng xử lý tình huống khi có động đất, cháy.
Học sinh tham gia hoạt động giáo dục STEM tronng năm học 2022 - 2023. Ảnh: Thanh Hường |
Tôi kể câu chuyện của Lesly cùng các em ở giữa rừng trong 40 ngày này cho cậu con trai của mình nghe và hỏi: “Nếu con không may bị lạc giữa rừng mà không có người lớn, không có điện thoại để gọi thì làm thế nào?”. Cậu bé trả lời rằng cháu sẽ dựng lều, tạo ra lửa để nấu ăn, gặp rắn thì leo lên cây và… chờ ba mẹ đến. Khi hỏi làm những việc đó như thế nào thì cháu nói không biết. Đòi hỏi những kỹ năng đó với đứa bé mới lên 7 tuổi thì hơi quá sức. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều trẻ em ở Việt Nam chưa được trang bị những kiến thức thực tế và kỹ năng sinh tồn. Thực tế, việc giáo dục kỹ năng sinh tồn ở trường học dường như vẫn còn những khoảng trống. Các trường học, trung tâm có những lớp dạy bơi, kỹ năng chống đuối nước, trải nghiệm làm lính cứu hỏa và xử lý tình huống khi có cháy. Tuy nhiên, các lớp này chưa thật sự trọn vẹn và tổ chức một cách đại trà. Về phía gia đình, cũng không phải ai cũng có điều kiện và kỹ năng để dạy cho con em mình. Nhiều em nhỏ lại thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị điện tử, ít tham gia những chuyến trải nghiệm thiên nhiên nên kỹ năng sinh tồn hạn chế.
Phải khẳng định rằng, khi có tai họa thì những đứa trẻ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống thực tế sẽ an toàn và có tỷ lệ sống sót cao hơn so với bạn bè cùng trang lứa không có kỹ năng. Bởi vậy, việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, toàn xã hội, trường học và mỗi gia đình.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc