Multimedia Đọc Báo in

Cùng buôn làng kết nghĩa thử nghiệm cây trồng mới

08:13, 26/06/2023

Vượt gần 120 km từ TP. Buôn Ma Thuột, chuyến xe chở 500 cây sầu riêng giống do Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Ea Kmat (thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) đã đến với bà con buôn Liêng Krắk, xã Krông Nô, huyện Lắk.

Tất cả bà con buôn làng đều rất vui mừng, phấn khởi khi nhận được sự quan tâm thiết thực từ các đơn vị kết nghĩa để có thêm điều kiện phát triển sản xuất.

Buôn Liêng Krắk là một trong những buôn xa nhất của xã Krông Nô, nằm ở khu vực giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng. Toàn buôn có 98 hộ, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) tại chỗ, phân bố thưa thớt, kinh tế còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, khi được phân công kết nghĩa với buôn Liêng Krắk, Đảng ủy Khối đã quan tâm, huy động nhiều nguồn lực chăm lo an sinh xã hội cho bà con nơi đây. Bên cạnh các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho hộ nghèo, thiếu nhi nhân các ngày lễ, Tết, Đảng ủy Khối còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của người dân để tìm giải pháp hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế.

Bà con buôn Liêng Krắk nhận cây sầu riêng giống do các đơn vị kết nghĩa tặng.

Nhiều năm qua, bà con nơi đây chủ yếu canh tác lúa nước, hoa màu và một số loại cây công nghiệp dài ngày như điều, cà phê… nhưng do điều kiện canh tác không thuận lợi, ít hiểu biết về khoa học kỹ thuật nên năng suất cây trồng thấp và bấp bênh. Năm 2022, Đảng ủy Khối đã vận động, huy động hơn 600 cây ăn trái các loại và cấp phát cho tất cả bà con buôn Liêng Krắk để canh tác thử nghiệm. Đầu năm 2023, Đảng ủy Khối đã cùng với chi bộ, ban tự quản buôn khảo sát nguyện vọng cũng như điều kiện canh tác và lựa chọn 20 hộ để tập trung xây dựng mô hình trồng sầu riêng. Anh Y San Liêng Hot (người dân buôn Liêng Krắk) cho biết, gia đình anh có 1,2 ha vườn tạp, mới cải tạo để trồng cà phê trong vòng 2 năm trở lại đây. Năm 2022, gia đình anh nhận một số cây bơ 034 và sầu riêng Dona do Đảng ủy Khối hỗ trợ. Qua canh tác bước đầu, cây sầu riêng sinh trưởng tốt nên gia đình anh mạnh dạn đăng ký thực hiện mô hình trồng sầu riêng xen vào vườn cà phê để tăng thu nhập.

 

Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh có 95 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện kết nghĩa với 152 buôn ĐBDTTS. Tổng các nguồn lực huy động hỗ trợ, chăm lo cho buôn kết nghĩa của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt bình quân hơn 5 tỷ đồng/năm.

Từ nguyện vọng của bà con, trong chuyến thăm buôn kết nghĩa lần này, Đảng ủy Khối đã huy động sự tham gia của Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Ea Kmat. Các kỹ sư nông nghiệp, cán bộ kỹ thuật còn hướng dẫn cặn kẽ cách lựa chọn đất trồng phù hợp, cách thức đào hố, bón lót trước khi xuống giống, cách chăm sóc theo từng giai đoạn tuổi cây. Bà con được thực hành ngay tại vườn và được giải thích rõ những băn khoăn, thắc mắc khi trồng loại cây có yêu cầu cao về kỹ thuật này.

Trưởng buôn Liêng Krắk Y Lanh Pang Ting bộc bạch, tại buôn cũng đã có một số hộ trồng sầu riêng thành công nên ĐBDTTS nơi đây rất mong được hỗ trợ cây giống để nâng cao hiệu quả canh tác. Dù vậy, mọi người cũng khá lo lắng vì biết sầu riêng là loại cây trồng “khó tính” và đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao. Nhờ sự quan tâm tận tình của các đơn vị kết nghĩa, bà con không chỉ nhận cây giống mà còn được nắm bắt các giải pháp kỹ thuật, được cung cấp tài liệu từ khâu chọn đất cho đến khi cây ra hoa, đậu trái và thu hoạch.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Đình Hoàng cho hay, tất cả nguồn hỗ trợ không chỉ là sự quan tâm về vật chất mà thực sự xuất phát từ tình cảm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị đối với vùng ĐBDTTS với mong muốn tất cả các mô hình đều phát huy hiệu quả, giúp bà con vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống. Đảng ủy Khối sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu, huy động các nguồn lực để hỗ trợ thêm nhiều loại cây trồng khác phù hợp với điều kiện canh tác của người dân những năm tiếp theo.

Người dân buôn Liêng Krắk thực hành xuống giống sầu riêng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Krông Nô Y Thị Niê cho biết, xã Krông Nô có 13 buôn với 75% là ĐBDTTS tại chỗ. Tất cả các buôn đều được kết nghĩa với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và nhận được nhiều quan tâm về vật chất, tinh thần như: thăm hỏi dịp Tết Nguyên đán, tổ chức vui chơi cho thiếu nhi, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Những năm gần đây, các đơn vị kết nghĩa còn quan tâm, hỗ trợ người dân thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của bà con trong phát triển kinh tế. Những hoạt động giúp đỡ của các đơn vị kết nghĩa đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện đạt và vượt mục tiêu giảm 5% hộ nghèo mỗi năm của địa phương.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.