Khi sinh viên không thích… nghỉ hè
Rất nhiều sinh viên đi học xa nhà luôn mong ngóng đến kỳ nghỉ hè để được về thăm gia đình, hay tham gia “Mùa hè xanh”, hoặc làm thêm để kiếm tiền trang trải cho việc học. Tuy nhiên gần đây tôi đã gặp không ít sinh viên không thích nghỉ hè mà chỉ thích đi học. Cứ ngỡ các bạn muốn học để tốt nghiệp sớm nhưng hóa ra lại không phải.
Trường đại học nơi tôi công tác mỗi năm có ba học kỳ trong đó kỳ 3 là học kỳ hè. Ban đầu, học kỳ hè là dành cho những sinh viên bị nợ môn phải học lại, hoặc sinh viên bị chậm tiến độ phải học đuổi cho kịp tiến độ khóa học. Tuy nhiên, dần dần số lượng sinh viên học trước tiến độ lại chiếm đa số.
Những sinh viên dạng này nếu theo đúng tiến độ đào tạo bình thường thì phải đến kỳ kế tiếp hoặc hai kỳ nữa mới học đến môn đăng ký học hè. Có lần, trong một lớp hơn 50 sinh viên của tôi, chỉ có chưa đến 10 bạn thuộc diện học trả nợ còn lại là học lần đầu. Lý do học hè của các bạn này khá đa dạng nhưng nhìn chung đều không phải để tốt nghiệp sớm.
Sinh viên Y khoa, Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột thực hành bộ môn Giải phẫu. Ảnh minh họa: Nguyên Thảo |
Tôi từng gặp trường hợp lớp đã được mở với danh sách cụ thể nhưng đến phút cuối có một bạn nằng nặc đòi gặp tôi để ký đơn xin vào lớp. Tôi trao đổi với bạn rằng danh sách lớp đã có trên phần mềm rồi, hạn đăng ký cũng đã hết không biết liệu đơn của em có được giải quyết không? Hỏi bạn vì sao lại quyết tâm học hè đến vậy, sao không để vô năm học mới rồi học thì bạn cho biết nhà bạn ở trong thành phố, gần trường nên “hè ở nhà buồn lắm cô ạ, đi học vui hơn”!
Tôi cũng đã từng nói chuyện với nhiều bạn sinh viên nhà ở xa nhưng hè vẫn bám trường, bám lớp để học tiếp. Các bạn chia sẻ, ở nhà làm rẫy cà phê, mùa hè cũng là mùa mưa Tây Nguyên nên việc nương rẫy vừa nhiều, vừa nặng nhọc khiến các bạn “né” về quê. Chẳng lẽ về quê mà không đi làm cùng bố mẹ, cứ ăn ngủ với chơi thôi thì “kỳ” quá nhưng đi làm thì mệt, không quen. Ở lại trường đại học nơi phố xá tấp nập để đi học là một lý do đủ để các bạn sinh viên thuyết phục bố mẹ và cũng đủ để bản thân không cảm thấy áy náy. Bố mẹ chỉ cần nghe nói con bận học là cho đi liền nên có bạn hè chỉ về nhà mấy ngày rồi lại đi.
Thế hệ của chúng tôi những năm 90 không chỉ hè mà cả thứ bảy, chủ nhật cũng tranh thủ làm rẫy phụ bố mẹ. Từ kéo ống tưới nước cho cà phê đến làm cỏ, hái cà phê đều đã trải qua hết, ai khỏe thì làm nhiều còn ai yếu thì làm ít, phụ việc nhẹ. Thời chúng tôi còn học phổ thông, đến mùa thu hoạch cà phê, trường còn cho học sinh nghỉ hẳn một tuần để giúp gia đình. Tuy cực khổ, vất vả nhưng đứa nào cũng như nhau nên chuyện giúp đỡ bố mẹ đối với chúng tôi là lẽ đương nhiên, tất yếu phải làm chứ chẳng cần phải suy nghĩ nhiều. Bởi vậy, đặt mình vào vị trí phụ huynh của những bạn sinh viên trốn hè vì “né” việc nhà tôi bỗng thấy chạnh lòng. Cha mẹ nào cũng dành những điều tốt nhất cho con. Càng là những phụ huynh nông dân, vì điều kiện khó khăn mà ít được học hành thì lại càng đầu tư cho con cái học đến nơi đến chốn với mong ước đời con sẽ tốt hơn đời mình. Chỉ cần liên quan đến việc học của con thì bao nhiêu cũng chẳng tiếc.
Chẳng dám phán xét cách ứng xử của các bạn sinh viên với phụ huynh, tôi chỉ nửa đùa nửa thật mỗi khi có bạn ngỏ ý muốn học hè: “yêu trường, yêu lớp nhưng cũng yêu thương và về nhà phụ bố mẹ đi!”…
Bình An
Ý kiến bạn đọc