Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Giải quyết bài toán đầu ra sau học nghề

08:22, 22/08/2023

Không chỉ đưa các lớp dạy nghề về tận thôn, buôn, thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (Trung tâm) huyện Ea Kar còn chú trọng khảo sát, đào tạo nghề theo nhu cầu của lao động nông thôn nhằm giải quyết bài toán đầu ra sau học nghề.

Căn cứ nguồn kinh phí được phân bổ và ngân sách địa phương hỗ trợ, hằng năm, Trung tâm đều tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề nhằm chủ động tuyển sinh đầu vào. Cùng với đó, Trung tâm phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể, ban tự quản, người có uy tín thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số.

Lao động nông thôn ở buôn Xê Đăng (xã Ea Sar, huyện Ea Kar) đã tự tạo được việc làm sau khi học nghề xây dựng dân dụng.

Trên cơ sở đó, ở những nơi mà người dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp, Trung tâm đã đưa các lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi về tận thôn, buôn nhằm trang bị kiến thức, kỹ thuật, nâng cao tay nghề giúp học viên cải thiện thu nhập. Những khu vực thành thị, đông dân cư, Trung tâm tập trung dạy các nghề phi nông nghiệp như: may dân dụng, xây dựng, nấu ăn, sửa chữa xe gắn máy, ô tô, điện dân dụng…

 

“Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn huyện đạt 43,5%, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương và hướng đến xây dựng huyện Ea Kar trở thành thị xã trước năm 2025” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ea Kar Trần Đức Lương.

Trước đây, anh Rim (dân tộc Xê Đăng) ở buôn Xê Đăng (xã Ea Sar) là phụ hồ, công việc vất vả nhưng thu nhập chỉ đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày. Khi biết thông tin Trung tâm mở lớp đào tạo nghề xây dựng dân dụng, anh Rim đã đăng ký học. Lớp dạy nghề được mở ngay tại buôn đã giúp anh Rim và các học viên khác không phải đi xa, sau giờ học vẫn tranh thủ phụ giúp việc nương rẫy. Sau 4 tháng, anh Rim đã được cấp chứng chỉ nghề. Ban đầu, anh xin đi xây tại các công trình nhỏ trong buôn nhằm tích lũy thêm kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghề. Khi đã thạo nghề, anh Rim tự tin tham gia cùng nhóm thầu xây dựng của buôn nhận các công trình xây dựng nhà ở trên địa bàn xã với thu nhập 300.000 đồng/ngày. Không chỉ anh Rim mà nhiều lao động nông thôn tại buôn Xê Đăng cũng đã tự tạo được việc làm sau khi học nghề xây dựng.

Xã Ea Sar có 13 thôn, buôn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 51%. Ban đầu, người dân trên địa bàn xã rất e ngại khi tham gia các lớp đào tạo nghề miễn phí vì phải di chuyển ra tận trung tâm huyện để học. Khi Trung tâm chủ trương đưa nghề về thôn, buôn, đồng thời thay đổi cách thức tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương cũng tích cực vào cuộc vận động, thay đổi nhận thức của người dân nên các lớp đào tạo nghề ngày càng “đắt hàng”.

Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn cho biết, các lớp dạy nghề miễn phí đã đem lại hiệu quả thiết thực. Học nghề nông nghiệp giúp nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Nghề phi nông nghiệp đã mở ra cơ hội việc làm, lao động nông thôn có thể tự tạo được việc làm tại chỗ hoặc đi làm cho các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, đem lại thu nhập ổn định hơn. 

Giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ea Kar tìm hiểu việc phát triển chăn nuôi heo của học viên tại xã Cư Ni sau khi học nghề.

Qua khảo sát, số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện Ea Kar là 123.157 người, số người có nhu cầu học nghề đến năm 2025 dự tính trên 5.000 người. Để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động sau học nghề, cùng với công tác tuyên truyền, tư vấn, tổ chức dạy nghề miễn phí, hằng năm, huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp đủ điều kiện đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động; đồng thời tạo điều kiện cho người dân tiếp cận chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi và Quỹ quốc gia về việc làm. Nhờ vậy, từ năm 2020 đến nay, huyện Ea Kar đã tổ chức được 22 lớp đào tạo nghề miễn phí cho 750 lao động nông thôn, với tổng kinh phí tên 2,43 tỷ đồng.

Cùng với đó, Trung tâm chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo theo “chuẩn đầu ra”. Thầy Bùi Văn Thành, giáo viên dạy nghề kỹ thuật điện của Trung tâm cho biết, để giúp học viên vững tay nghề, giáo viên đã “cầm tay chỉ việc”, học đến đâu thực hành luôn đến đó. Nhằm giải quyết “bài toán” đầu ra sau đào tạo nghề, trong quá trình dạy, giáo viên đã định hướng, khuyến khích học viên liên kết thành lập các tổ hợp tác chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng, mở dịch vụ nấu ăn, mở quán kinh doanh ăn uống.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.