Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường công tác giáo dục phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong trường học

15:50, 22/08/2023

Ngày 22/8, tại TP. Buôn Ma Thuột, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cùng với Vụ Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đồng tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp công tác về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2023.

Hội nghị có sự tham gia của 90 đại biểu là lãnh đạo Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an); Sở NN-PTNT, Sở Giáo dục và Đào tạo của 22 tỉnh/thành phố.

ảnh
Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến phát biểu tại hội nghị

Thông tin tại hội nghị cho biết, Việt Nam là nước phải hứng chịu 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến môi trường sống, sản xuất kinh doanh của người dân.

Trong vòng 30 năm gần đây, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm khoảng 300 người thiệt mạng và mất tích, thiệt hại kinh tế 1,0 - 1,5% GDP.

Trẻ em, học sinh (chiếm 28% dân số Việt Nam) là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước tác động tiêu cực của thiên tai và thảm họa tự nhiên. Đặc biệt, tử vong do đuối nước trẻ em ở Việt Nam vẫn cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Trong bối cảnh đó, công tác phòng, chống thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo hướng đến đối tượng là các em học sinh đã dành được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương.

Trong đó, ngày 8/5/2018, Bộ NN-PTNT và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết Chương trình phối hợp công tác số 3485/CTPH-BNNPTNT-BGDĐT về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2023.

ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị

Sau 5 năm triển khai thực hiện, với nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả tại Trung ương và địa phương, như: xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong trường học; tổ chức các cuộc thi, khóa tập huấn, hoạt động ngoại khóa, sự kiện truyền thông kết hợp với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, như các cuộc thi: “Giải cứu trái đất - Trẻ em sáng tác nhân vật siêu anh hùng đẩy lùi thiên tai và biến đổi khí hậu”; “Sáng tác lời mới cho làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền về phòng, chống thiên tai”; thi vẽ tranh với chủ đề “Cùng em phòng, chống thiên tai - Kiến tạo tương lai bền vững”… với sự tham gia của hàng nghìn học sinh, giáo viên, cán bộ.

Đặc biệt, một số địa phương đã chủ động thực hiện công tác phòng, chống thiên tai hướng đến trẻ em, học sinh trên địa bàn bằng nhiều nguồn lực khác nhau để xây dựng bể bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ trên địa bàn, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng của các em học sinh, tinh thần trách nhiệm của nhà trường, các bậc phụ huynh.

ảnh
Các đại biểu tìm hiểu Hộp thực phẩm cứu trợ khẩn cấp của Công ty Cổ phần ACECOOK Việt Nam trưng bày tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, năm 2023 là năm cuối thực hiện Chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ, hội nghị là cơ hội để đánh giá lại những ưu điểm, tồn tại, bài học kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai trong ngành giáo dục và đào tạo ở các cấp trong giai đoạn tiếp theo.

Trong thời gian tới, đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện lồng ghép một số nội dung phòng, chống thiên tai với một số môn học để đưa vào chương trình giáo dục thường xuyên, chương trình giảng dạy cấp tiểu học, THCS, THPT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt là đưa nội dung hướng dẫn kỹ năng phòng, chống thiên tai vào hoạt động ngoại khóa, hoạt động hè bằng nhiều hình thức để lan tỏa tinh thần chủ động phòng, chống thiên tai đến bố mẹ, gia đình và xã hội.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc