Đâu chỉ là tên gọi...
Hội tụ 49 dân tộc anh em đến từ khắp mọi miền Tổ quốc sinh sống, mỗi vùng quê trên miền đất đỏ Đắk Lắk đều có những tên gọi khởi nguồn với ý nghĩa khác nhau. Không chỉ là định danh, tên gọi ấy còn đánh dấu, nhắc nhở thế hệ con cháu mai sau về cội nguồn, gốc gác của chính mình…
Hơn 20 năm trước, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, hàng trăm hộ dân rời tỉnh Bến Tre để đến các xã Ia Lốp, Ia R’vê (huyện biên giới Ea Súp) khai hoang kinh tế mới. Không chỉ mang theo quyết tâm đổi đời, bà con còn mang theo gốc gác quê nhà. Bởi vậy, rất nhiều địa danh ở Bến Tre như Giồng Trôm, Chợ Lách, Thạnh Phú… đã trở thành tên thôn mới trên vùng đất mới.
Điệu múa sạp của đồng bào Thái ở xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) tại Ngày hội Biên phòng. |
Yêu mến và gìn giữ vốn văn hóa đặc sắc, người Bến Tre vẫn giữ nguyên giọng nói, phong tục tập quán của quê hương xứ dừa. Trên nhiều ngôi nhà ở miền biên, bóng cây dừa vẫn tỏa mát, chở che cho các thế hệ; bánh tráng dừa, mứt dừa vẫn là món ăn được yêu thích; tiếng đờn ca tài tử vẫn luôn ngân vang trong mỗi chiều về. Khi điều kiện giao thông ngày càng thuận lợi hơn, bà con càng đều đặn đi - về thăm thân trên hai quê hương Bến Tre - Đắk Lắk, để rồi, họ gom góp kinh nghiệm của miệt vườn lên chăm bón, nuôi dưỡng thành những vườn cây trái trĩu cành ở miền đất nắng gió Tây Nguyên.
Ông Hoàng Ngọc Ân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Lốp chia sẻ, xã được thành lập năm 2006 và hiện có 12 thôn với những tên gọi đặc trưng từ khi lập làng, lập nghiệp. Bên cạnh những địa danh của quê hương Bến Tre, địa bàn xã có thôn Thanh niên lập nghiệp - tên gắn liền với Dự án Làng thanh niên lập nghiệp do Trung ương Đoàn đầu tư xây dựng; các thôn Dự, Án, Trung, Đoàn (mang ý nghĩa là dự án vùng kinh tế quốc phòng) và 5 tên thôn khác mang địa danh các chòm xóm, thôn thuộc xã Xuân Khao, tỉnh Thanh Hóa, như: Lầu Nàng, Đừng Nhạp, Chiềng, Đóng, Đai.
Người dân quê hương Bến Tre phát triển cây ăn trái trên vùng biên Ia R'vê, huyện Ea Súp. |
Rời quê hương Thanh Hóa đến vùng kinh tế mới Ia Lốp từ năm 2004, ông Hà Ngọc Ái (dân tộc Thái) chứng kiến những đổi thay của miền biên ải. Ông tâm tình: “Lập nghiệp trên vùng đất cằn cỗi, hoang vu, khắc nghiệt, đi lại khó khăn, bà con càng phải cố gắng nhiều nhất có thể. Từ chỗ bám trụ, dần thích nghi, cặm cụi làm lụng, rồi “đất lạ hóa quê hương”, đồng bào các dân tộc nơi đây dần vượt qua đói, khổ để xây dựng cuộc sống ấm no, sung túc. Duy chỉ có một điều, dẫu nhịp đời thay đổi như thế nào, thì bà con dân tộc Thái của quê hương Thanh Hóa vẫn luôn cố gắng lưu giữ truyền thống, nét đẹp dân tộc mình”…
Không riêng Ia Lốp, Đắk Lắk ngày nay không còn là vùng đất vắng vẻ, hoang sơ của xưa kia, mà nay quy tụ đông đảo đồng bào các dân tộc ở mọi miền Tổ quốc về cùng sinh sống. Bởi vậy, về các huyện Ea Súp, Ea Kar, Krông Búk… vẫn nghe đâu đó giọng nói “trọ trẹ” của con em các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Về Ea Súp, Buôn Hồ, Krông Ana… vẫn thấy đâu đó những đồng lúa bạt ngàn do chính bàn tay người dân quê hương Thái Bình chăm sóc. Đâu chỉ có vậy, trên miền đất đỏ huyền thoại còn đó những địa danh nghe “rất Huế” như Phú Xuân, Tam Giang, Phú Lộc ở huyện Krông Năng; hay như “chợ Điện Bàn” đậm chất Quảng ở xã Quảng Điền thuộc huyện Krông Ana…
Với giọng nói đậm xứ Quảng, chị Phạm Thị Thừa kể, ba mẹ chị lên vùng kinh tế mới Quảng Điền (huyện Krông Ana) từ hơn 40 năm trước. Chị lớn lên, rồi lập gia đình, sinh sống ở xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin), nhưng luôn được ba mẹ nhắc nhở phải giữ gìn nguồn cội của mình. Dẫu ở đâu, thì bao nhiêu nét đẹp quê nhà, từ chất giọng, ẩm thực đến sinh hoạt hằng ngày đều được bà con gốc Quảng gìn giữ, phát huy và yêu mến.
Người Quảng hay bất cứ ai trên miền đất đỏ bazan đều thế, dẫu xa quê nhưng chưa bao giờ họ rời xa gốc gác của chính mình. Bởi họ thấm thía rằng, đó là đặc trưng, là niềm tự hào, cũng là điều nhắc nhớ mỗi người cố gắng hơn, nỗ lực hơn trong phát huy nét đẹp của mỗi dân tộc, vùng quê; từ đó góp sức để dựng xây quê hương mới Đắk Lắk thêm tươi đẹp, giàu mạnh.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc