Multimedia Đọc Báo in

Kỹ năng xử trí người bị đuối nước

06:55, 14/09/2023

Đuối nước là hiện tượng nước tràn vào khí quản gây ngạt thở. Hậu quả ngạt thở lâu có thể dẫn đến tử vong nếu không được sơ, cấp cứu kịp thời và đúng cách.

Để xử trí đuối nước, bác sĩ Nguyễn Quang Sơn, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên hướng dẫn: Khi bản thân không biết bơi, cần bình tĩnh hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ, đồng thời nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, áo, quần, dây… Hãy cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào, như vậy việc cứu nạn sẽ hiệu quả hơn. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối nước làm cho bản thân cũng có thể bị đuối nước theo.

Cho trẻ học bơi sớm để có kỹ năng trong phòng, chống đuối nước.

Sau khi đưa người bị đuối nước vào bờ, nhanh chóng tiến hành hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt, khai thông đường hô hấp bằng cách đặt nạn nhân nằm ngửa cổ nghiêng sang một bên, dùng khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi mũi và miệng nạn nhân; đặt miếng vải hoặc miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân hít một hơi thật sâu rồi ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài trực tiếp vào miệng nạn nhân.

Nếu nạn nhân bị ngừng tim, phải ép tim ngoài lồng ngực. Dùng hai bàn tay chồng lên nhau đặt lên vị trí 1/3 xương ức về phía ngực trái và ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/phút, ước lượng bằng cách đếm 1, 2, 3, 4…, mỗi lần đếm là một lần ép tim. Nếu chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt từ 2 - 3 lần lại ép tim ngoài lồng ngực 10 - 15 nhịp. Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, nhưng cần làm kiên trì cho đến khi tim nạn nhân đập lại và thở trở lại. Khi nạn nhân tỉnh lại sẽ nôn ra nước nên phải để nạn nhân ở tư thế mặt quay sang một bên, kê gối dưới hai vai, nới rộng quần áo, phòng cho nạn nhân không bị ngạt trở lại vì sặc chất nôn.

Học viên bơi được thầy giáo hướng dẫn khởi động trước khi xuống nước.

Nếu cấp cứu có kết quả, nạn nhân thở lại, cử động hoặc giãy giụa, hay nạn nhân vẫn còn mê nhưng đã có mạch và nhịp thở thì gọi xe cấp cứu hoặc dùng mọi phương tiện sẵn có chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất có trang bị hồi sức cấp cứu. Trên đường vận chuyển vẫn phải tiếp tục cấp cứu và giữ ấm cho nạn nhân.

Đuối nước là một trong những tai nạn có thể phòng tránh được. Bác sĩ Sơn khuyến cáo: Các bậc phụ huynh không nên để trẻ chơi đùa gần ao, hồ, sông, suối, những nơi tiềm ẩn rủi ro đuối nước. Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên. Nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có thì cần được đậy nắp cẩn thận. Nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa. Nên cho trẻ học bơi sớm, khoảng trên 4 tuổi. Người lớn phải đưa con đi học trong mùa mưa lũ, nhất là khi qua suối hoặc nơi dễ bị ngập nước, có dòng chảy xiết. Hướng dẫn trẻ những kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi, như vận động trước khi xuống nước, an toàn trên mặt nước khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy hay cách sơ cứu người khi bị đuối nước.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.