Sinh viên làm trái ngành sau khi ra trường: Có là “bi kịch”?
Hiện nay, nhiều bạn trẻ có xu hướng làm trái ngành, nghề đã theo học. Có vô số lý do được các bạn trẻ đưa ra khi chấp nhận đi theo con đường mới.
Khó xin việc
Chị Nguyễn Ngọc Hoài Thương (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ) theo học ngành Tài chính - Ngân hàng tại Trường Đại học Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai). Sau khi ra trường, chị đã đi làm thủ quỹ ở một cửa hàng bán xe máy được hơn hai năm. Thế nhưng nhận thấy công việc ở đây không ổn định nên chị đã xin vào làm nhân viên tư vấn bán hàng cho Công ty Sách thiết bị trường học - Nhà sách Giáo dục Chi nhánh Buôn Hồ.
Chị Nguyễn Ngọc Hoài Thương (thứ hai từ trái sang) hiện làm nhân viên tư vấn bán hàng tại Công ty Sách thiết bị trường học - Nhà sách Giáo dục chi nhánh Buôn Hồ. |
Chị Thương chia sẻ: “Trước đây, mình rất thích ngành ngân hàng, nhưng sau thời gian theo học và quá trình đi thực tập, mình cảm thấy bản thân không phù hợp với nghề. Sau khi ra trường, mình đã nộp hồ sơ xin việc nhiều nơi nhưng cũng không được. Vậy nên, mình quyết định lựa chọn một công việc khác phù hợp hơn, tuy không đúng với ngành nghề đã theo học”.
Tương tự, chị H’Êra Ênuôl (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) tốt nghiệp chuyên ngành văn học tại Trường Đại học Tây Nguyên. Tuy nhiên, hai năm sau khi ra trường, chị H’Êra vẫn chưa xin được công việc phù hợp với ngành nghề đã học. Hiện nay, chị đang làm nhân viên bán ghế massage tại một cửa hàng trên đường Hoàng Diệu (TP. Buôn Ma Thuột). Mặc dù hiện tại công việc không liên quan đến ngành đã học nhưng chị H’Êra vẫn rất hài lòng vì có mức thu nhập ổn định, thời gian linh hoạt, có nhiều thời gian để chăm sóc gia đình cũng như làm được nhiều việc khác. Theo chị H’Êra, thay vì cứ gắng đi tìm một công việc đúng với ngành học thì việc tìm một công việc có thu nhập, phù hợp với bản thân hiện tại sẽ thực tế hơn.
Nhiều sinh viên sau khi ra trường làm trái ngành cho rằng, chương trình đào tạo mà họ học còn theo lối tư duy cũ, nặng về lý thuyết, ít được thực hành nên sau khi ra trường rất khó áp dụng vào thực tế. Một số kỹ năng mềm như: Làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, khả năng lập kế hoạch mục tiêu và kỹ năng ngoại ngữ… của sinh viên được đào tạo hời hợt, khiến nhiều bạn ra trường khó xin việc theo đúng chuyên ngành.
Thiếu định hướng từ ban đầu
Bên cạnh đó, một số đơn vị đào tạo vẫn còn thờ ơ, chưa thật sự chặt chẽ trong việc tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Nhiều trường quá tập trung đến việc quảng bá thông tin đào tạo ngành nghề của mình để thu hút sinh viên mà chưa chú trọng đến “đầu ra” cho sinh viên.
Ngày hội định hướng nghề nghiệp - việc làm cho học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc). |
Chị Trương Thị Huyền (xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) là cựu sinh viên ngành Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh đã theo học và dạy tiếng Trung ngay khi còn là sinh viên. Ngành học của chị và công việc chị lựa chọn làm thêm không hề liên quan đến nhau. Nhận thấy bản thân phù hợp và đam mê với tiếng Trung nên ngay sau khi ra trường, chị cũng không tìm việc làm mà tiếp tục duy trì công việc làm thêm trước đây. Giờ đây chị trở thành giáo viên dạy tiếng Trung với mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Nhằm bắt kịp xu hướng và nhu cầu của xã hội, chị Phạm Thị Quyên (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) từng theo học ngành Sư phạm sử, tuy nhiên, chị nhận thấy lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe đang là một ngành nghề có thể giúp chị có thu nhập cao nên chị đã học thêm về gội đầu dưỡng sinh, massage trị liệu… Hiện nay, chị đã mở một tiệm spa nhỏ, có lượng khách ổn định.
Trên thực tế, có nhiều lý do khác nhau khiến sinh viên làm việc trái ngành sau khi ra trường. Làm việc trái ngành hoặc đúng ngành đều có những mặt tích cực và hạn chế. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng, cơ bản cũng là tạo thu nhập để phát triển bản thân và gia đình. Do đó, chỉ cần công việc tạo được sự thoải mái, yêu thích và có cơ hội phát triển trong tương lai thì dù làm công việc nào, nhưng với thái độ tích cực, nghiêm túc và có kỹ năng tốt vẫn có thể đi đến thành công.
Ngọc Thùy - Đinh Hằng
Ý kiến bạn đọc