Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh:

“Cầu nối” giữa người lao động và doanh nghiệp

07:08, 29/11/2023

Bằng những hoạt động hiệu quả, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (gọi tắt là Trung tâm) đã trở thành “cầu nối” giữa doanh nghiệp (DN) và người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.​

Địa chỉ tin cậy kết nối "cung - cầu"

Trở về nhà ở huyện Krông Pắc sau khi nghỉ làm tại TP. Hồ Chí Minh, chị Phan Thị Kim Chi liên hệ với Trung tâm để được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm. Theo đó, chị Chi được giới thiệu học nghề chăm sóc sắc đẹp do Công ty TNHH Vũ Nguyên Bio giảng dạy. Sau khi học xong, chị Chi được chính công ty tuyển dụng, đào tạo chuyên sâu để trở thành trợ trý trợ giảng dạy nghề chăm sóc sắc đẹp. Chị Chi bày tỏ: “Thông qua Trung tâm, tôi đã tìm được công việc ổn định, phù hợp với bản thân, lại gần gia đình…”.

Nộp đơn xin việc đến Trung tâm qua hình thức trực tuyến, chỉ một ngày sau, chị Lý Thị Trúc Ly (thôn 9, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) đã nhận được phản hồi những thông tin cụ thể về các đơn vị đang tuyển dụng, phù hợp với yêu cầu trong hồ sơ. Nhờ vậy, 10 ngày sau, chị Ly đã tìm được công việc phù hợp, là kế toán tại một công ty trên địa bàn tỉnh.

Chị Phan Thị Kim Chi (bên trái) được đào tạo nghề và tuyển dụng tại Công ty TNHH Vũ Nguyên Bio.

Trung tâm cũng thường xuyên kết nối, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được với lao động có chất lượng, chuyên môn phù hợp. Đơn cử như Công ty TNHH Vũ Nguyên Bio, từ cuối tháng 4/2023 đã kết nối với Trung tâm để tuyển dụng lao động ở nhiều vị trí.

Bà Nguyễn Thị Ý Nga, Giám đốc công ty cho hay: Thông qua Trung tâm, đến nay công ty đã tuyển được 7 nhân sự, tất cả đều cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc. Khâu tuyển dụng nhân sự thông qua Trung tâm khá nhanh chóng, hiệu quả khi thông tin rộng rãi đến người lao động cần việc làm mà không tốn bất kỳ chi phí nào. Cán bộ Trung tâm rất nhiệt tình hỗ trợ doanh nghiệp mỗi khi có nhu cầu.

Bên cạnh đó, công ty cũng phối hợp với Trung tâm hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho những lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp và có nhu cầu học nghề. Nhiều học viên học nghề xong đã có thể mở tiệm để kinh doanh, hoặc tìm việc làm phù hợp tại các đơn vị.

Đa dạng hình thức giới thiệu, tư vấn việc làm

Với vai trò kết nối "cung - cầu" giữa DN, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với người lao động, thời gian qua, Trung tâm đã triển khai đa dạng nhiều hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Cụ thể, Trung tâm đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để lan tỏa rộng rãi thông tin việc làm, nhu cầu tuyển dụng của các DN trên website, trang Facebook, Zalo của Trung tâm…; chủ động điều tra, cập nhật dữ liệu biến động về nhu cầu sử dụng lao động của các DN trong và ngoài tỉnh nhằm thực hiện công tác phân tích, dự báo thị trường lao động, nắm bắt thông tin về vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Đặc biệt, các phiên giao dịch việc làm không chỉ được tổ chức định kỳ vào ngày 15 hằng tháng tại Trung tâm mà còn được triển khai sâu rộng xuống tận xã, phường, thôn, buôn, vùng sâu, vùng xa. Trung tâm cũng phân công cán bộ đến DN tìm hiểu cụ thể nhu cầu, thu thập thông tin và cung cấp đến người lao động một cách kịp thời…

Người lao động được cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hỗ trợ giới thiệu việc làm.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng Phòng Giới thiệu việc làm của Trung tâm thông tin, trong năm 2022, Trung tâm đã giới thiệu việc làm cho 7.631 lượt người, 2.444 người có việc làm sau khi giới thiệu; có 269 lượt đơn vị, DN tham gia phiên giao dịch việc làm với nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh là 59.518 người. Đến tháng 11/2023, Trung tâm đã giới thiệu việc làm cho 7.228 lượt người, đạt 95,11% so với kế hoạch, số người có việc làm sau khi giới thiệu là 2.453 người. Hiện nay, Trung tâm đang chủ động liên hệ với các DN để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng cho thời điểm cuối năm 2023 và năm 2024…

Bằng những giải pháp linh hoạt, thực hiện đa dạng hóa công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, Trung tâm đã và đang là “cầu nối cung - cầu” lao động, là kênh trao đổi thông tin đáng tin cậy giữa người lao động và DN, qua đó đóng góp tích cực vào công tác giải quyết việc làm tại địa phương, tạo nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.