Multimedia Đọc Báo in

Cô hiệu trưởng có tấm lòng nhân ái

08:22, 29/12/2023

Cô Lê Thị Tân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) được đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh biết đến là cán bộ quản lý nhiệt huyết, tận tâm, có trái tim nhân ái, lan tỏa yêu thương.

Công tác tại một trường đặc thù có đến 100% học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó hơn 20% em thuộc hộ nghèo, có hoàn đặc biệt khó khăn, không ít lần cô Tân dành một phần tiền lương giúp học sinh cải thiện bữa ăn, mua tặng sách vở, đồ dùng học tập. Cô còn tích cực kết nối với những đơn vị, cá nhân có tấm lòng thơm thảo triển khai nhiều chương trình nhân ái tại trường với mong muốn học trò bớt thiếu thốn, yên tâm học tập.

Hơn 15 năm nay, lúc nào cô Tân cũng tất bật với việc… đi vận động tài trợ! Trung bình mỗi năm, cô kết nối, vận động hơn 100 triệu đồng ở khắp mọi miền Tổ quốc hỗ trợ cho học trò của mình. Sắp vào đầu năm học, cô liên hệ, kêu gọi mua sách, vở, cặp sách, quần áo, xin học bổng tặng học trò nghèo. Mùa đông đến, cô vất vả vận động, gom góp từng chiếc áo ấm, từng chiếc chăn cho các em. Vào mùa đói giáp hạt, cô chủ động quyên góp từng ký gạo, ít tiền mặt tặng các em học sinh khốn khó để no cái bụng yên tâm học tập. Cô Tân còn xin xe đạp tặng học sinh nhà ở cách xa trường hơn 5 km.

Cô Lê Thị Tân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (bìa phải) thăm hỏi, tặng quà học sinh nghèo.

Trường Tiểu học Chu Văn An có một điểm trường chính ở buôn Cuôr Đăng B, hai điểm trường lẻ ở buôn Kroa B và buôn Aring với 846 học sinh. Hoàn cảnh em nào khó khăn, cô Tân đều nắm rõ, đi đến tận nhà thăm hỏi, động viên tinh thần, vật chất giúp các em có nghị lực vươn lên. Với những học sinh mồ côi, kém may mắn, cô dành sự động viên, hỗ trợ nhiều hơn.

Như trường hợp em H Phi Ađrơng, học sinh lớp 4C, bố lâm trọng bệnh mất sớm, mẹ bị suy thận giai đoạn cuối, có những lúc tưởng như em phải bỏ học giữa chừng vì gia cảnh khốn khó. Thấu cảm, cô Tân cùng giáo viên chủ nhiệm gần gũi, động viên em cố gắng học tập; kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ em học bổng. Về phần mình, cô mua tặng em khi thì tấm áo, đôi giày, hộp sữa, lúc ít tiền để hai mẹ con trang trải cuộc sống. Sự quan tâm của thầy, cô giáo đã giúp em H Phi vui đến trường.

Sự tâm huyết, hết lòng vì học trò của cô hiệu trưởng đã góp phần cùng tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường duy trì tốt sĩ số học sinh đến lớp, chăm học dù nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây cũng chính là động lực để cô Tân "bám" học trò trong mọi hoàn cảnh; và cũng chính điều này mà tình cảm của phụ huynh với thầy, cô giáo thêm khăng khít, gắn bó.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.