Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở Krông Ana

08:21, 11/12/2023

Những năm gần đây, nhờ nỗ lực triển khai tốt các chính sách dân tộc và các dự án đầu tư thuộc chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) các buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đời sống đồng bào DTTS huyện Krông Ana không ngừng được cải thiện.

Cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 07

Huyện Krông Ana có 26 buôn đồng bào DTTS với 30 dân tộc anh em sinh sống, chiếm 23,09% dân số toàn huyện, trong đó dân tộc Êđê và M'nông chiếm đa số (khoảng 87,5%). Để nâng cao đời sống người dân địa phương, UBND huyện đã thường xuyên phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chính sách, pháp luật về phát triển KT-XH. Bám sát Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 11/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 1/9/2020 về phát triển KT-XH các buôn đồng bào DTTS trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025 và nhiều văn bản liên quan để triển khai thực hiện.

Cụ thể, UBND huyện đã giao các phòng chuyên môn phối hợp, hướng dẫn về nội dung, định mức hỗ trợ các mô hình tái canh cây cà phê, thâm canh lúa nước; hướng dẫn về hoạt động của tổ hợp tác theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ; phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện; đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước theo tinh thần các nghị quyết, kế hoạch nêu trên. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm và tư duy đổi mới cách thức lao động sản xuất để tạo ra thu nhập cho bản thân và gia đình, cộng đồng.

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình của hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Dray Sáp.

Ban Chỉ đạo, các phòng chuyên môn của huyện cũng đã tăng cường kiểm tra, khảo sát thực địa các mô hình thuộc lĩnh vực nông nghiệp, gặp gỡ người dân trao đổi trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng trước khi thành lập các mô hình; đồng thời kiểm tra các tổ hợp tác, các mô hình sau khi thành lập ở tất cả các quy trình...

Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 07 ở địa phương, Phòng Dân tộc huyện đã tham mưu cho UBND huyện triển khai xây dựng cụ thể hóa Kế hoạch số 103 của cả giai đoạn và theo từng năm. Bà H Ban Niê Kdăm, Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: “Bám sát nghị quyết, kế hoạch, chúng tôi đã phối hợp mở các lớp tập huấn năng lực cộng đồng, phổ biến các chủ trương của Đảng về phát triển KT-XH cho các hộ đồng bào DTTS nòng cốt, tiêu biểu, những người đăng ký tham gia các mô hình sản xuất. Lựa chọn những mô hình phù hợp với tập quán canh tác cũng như các mô hình phù hợp có thể giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây”.

Kết quả khả quan từ những mô hình phù hợp

Không còn phải lo lắng đi tìm việc làm để chạy ăn từng bữa như ngày trước, giờ đây các thành viên của Tổ hợp tác Xây dựng buôn Ê Căm (thị trấn Buôn Trấp) đã yên tâm hơn khi có được công việc và nguồn thu nhập ổn định. Tổ trưởng Y Nghiêm Byă chia sẻ: “Tổ hợp tác Xây dựng buôn Ê Căm có trên 10 thành viên, đều đã được tham gia lớp học nghề xây dựng tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp huyện. Ngay khi thành lập vào năm 2021, tổ hợp tác đã được địa phương hỗ trợ trang thiết bị xây dựng. Nhờ vậy mà tổ đi vào hoạt động ổn định, giúp các thành viên lao động sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế tại buôn. Hiện nay các thành viên có công việc đều đặn khoảng 20 ngày/tháng, mức thu nhập bình quân từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày”.

Ngoài tổ hợp tác ở buôn Ê Căm, trên địa bàn huyện còn có 4 tổ hợp tác xây dựng ở các xã Ea Na, Dray Sáp, Băng Adrênh và Dur Kmăl với 40 thành viên, có việc làm thường xuyên và thu nhập khá ổn định. Từ năm 2020 đến năm 2023, các tổ hợp tác xây dựng đã nhận được 45 công trình bao gồm: xây dựng nhà ở, công trình bếp, nhà vệ sinh, sân tường rào và nhiều hạng mục khác với tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng cho mỗi tổ.

Các học viên tham gia lớp học nghề hàn nâng cao do UBND huyện tổ chức vào tháng 9/2023.

Song song đó, huyện tổ chức mô hình thâm canh cây lúa nước với 47 hộ dân tham gia, có tổng diện tích 25,8 ha, mỗi vụ đạt năng suất trung bình từ 6 - 7 tấn/ha trở lên; mô hình tái canh cây cà phê theo hướng xen canh cây sầu riêng trên tổng diện tích 16,85 ha với 37 hộ tham gia, tỷ lệ cây sống đạt trên 80%. Với sự tận tình, cầm tay chỉ việc của cán bộ kỹ thuật các phòng chuyên môn huyện, người dân đã triển khai mô hình đúng quy trình, cây trồng phát triển, sinh trưởng tốt. Ngoài ra, để tăng năng suất trên một đơn vị diện tích, các hộ dân tham gia mô hình tái canh cà phê xen sầu riêng kết hợp trồng xen các loại cây hoa màu khác, duy trì và phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm... phù hợp với tình hình thực tế tại buôn, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Song song với phát triển kinh tế, việc nâng cao đời sống văn hóa, xã hội trong các buôn được quan tâm. Đồng bào các buôn đã nêu cao ý thức giữ gìn, bảo tồn nhà sàn truyền thống, duy trì và phát triển văn hóa cồng chiêng. Ngành chức năng nghiên cứu để khôi phục và tôn tạo bến nước, tiếp tục đề xuất cơ quan có thẩm quyền trang bị cồng chiêng cho những buôn tiêu biểu; đồng thời duy trì các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội truyền thống các dân tộc, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.