Multimedia Đọc Báo in

Những “cây Kơ nia” của buôn làng

05:37, 14/01/2024

Đắk Lắk có 49 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 36% dân số. Với đặc thù này, vai trò của người có uy tín, già làng trong vùng đồng bào DTTS rất quan trọng, nhất là trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh, trật tự (ANTT), phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Ông Y Thưng Niê (còn gọi là Ma An) năm nay ngoài 70 tuổi là già làng tiêu biểu trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới. Ông sinh ra ở huyện Cư M’gar, đến tuổi trưởng thành “theo vợ” về buôn Trí A (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) gắn bó với người và đất nơi đây. Ông trở thành "điểm tựa" cho bà con trong buôn.

Còn nhớ, trong các năm 2001, 2004, Đắk Lắk là một trong những "điểm nóng" của hoạt động gây rối, đòi ly khai... của bọn FULRO phản động. Để giữ vững bình yên buôn làng, bằng uy tín, sự hiểu biết của mình, ông đã đi đến từng nhà tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con hiểu. “Tôi khuyên nhủ bà con không nghe theo lời kích động, xúi giục của đối tượng xấu; phải đoàn kết, vững tâm theo Đảng; không tham gia, tiếp tay cho tổ chức phản động”, ông Ma An trò chuyện.

Già làng Y Thưng Niê (buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cùng bộ đội biên phòng tiếp nhận vũ khí do người dân tự nguyện giao nộp.

Xã Krông Na có 1.660 hộ thuộc 13 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 78%. Trên địa bàn xã vẫn còn một số người dân có thói quen sử dụng vũ khí trái phép để săn bắn động vật rừng, để bảo vệ mùa màng, tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT. Già làng Y Thưng cùng với bộ đội biên phòng tuyên truyền, vận động bà con giao nộp vũ khí; tham gia quản lý, giáo dục đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng buôn làng thành "lá chắn" hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm ở khu vực biên giới. Ngoài ra, ông còn tuyên truyền bà con tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua ở địa phương. Nhờ đó, nhiều năm liền buôn Trí A luôn dẫn đầu xã về giữ vững an ninh chính trị, phát triển kinh tế.

 

“Những người dân trong mỗi buôn làng giống như một dàn chiêng, có chiêng cái, chiêng con, chiêng núm, chiêng bằng... Mỗi một chiếc chiêng giữ một điệu khác nhau, nhưng tất cả đều phải hòa theo sự cầm chịch của chiếc chiêng cái. Tiếng nói của già làng là âm thanh chiêng cái, giữ nhịp hài hòa cho cả dàn chiêng...", Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Huy Quang ví von.

Hay như già làng Y Bhul Mlô (buôn M’rưm, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) đã ngoài 70 tuổi vẫn chăm lo làm kinh tế, thường xuyên gần gũi nắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân. Trong các buổi họp buôn, ông tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tham gia giữ gìn ANTT; chăm lo phát triển đời sống... "Già làng Y Bhul còn là nghệ nhân đánh thành thạo cồng chiêng, hát Ayray, chế tác nhạc cụ dân tộc. Ông là Đội trưởng Đội cồng chiêng của xã, thường xuyên truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên, qua đó giữ gìn văn hóa truyền thống của cha ông", Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ H’Phi La Niê cho hay.

Theo Quyết định số 152/QĐ-UBND, ngày 1/2/2023 của UBND tỉnh, giai đoạn 2023 - 2027 toàn tỉnh có 921 người có uy tín trong đồng bào DTTS, trong đó có 154 già làng. Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Huy Quang cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, thời gian qua, người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển KT-XH, đảm bảo ANTT vùng đồng bào DTTS, trở thành lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; đóng vai trò to lớn trong công tác vận động đồng bào DTTS xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Nhờ phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại nhiều buôn làng trong tỉnh ổn định; bà con tập trung phát triển kinh tế, giảm nghèo. Những người từng nghe theo kẻ xấu, “lầm đường lỡ bước” nay đã quay về, cùng xây dựng buôn làng đoàn kết, ấm no.

Già làng Y Ơn Mlô (buôn Ur, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) cùng cán bộ, chiến sĩ Công an huyện xuống địa bàn dân cư tuyên truyền, vận động nhân dân.

Tỉnh đã thực hiện tốt chính sách với người có uy tín trong đồng bào DTTS. Ngoài bảo đảm các chế độ, chính sách chung, các cấp, ngành, địa phương thường xuyên thăm hỏi, động viên lúc ốm đau, bệnh tật. Định kỳ hai năm, tỉnh tổ chức biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS. Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ an ninh chính trị trên địa bàn; đồng thời thực hiện tốt chính sách thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết; tổ chức cho người có uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm…

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.