Multimedia Đọc Báo in

Sẻ chia yêu thương - nâng bước đến trường

10:23, 22/01/2024

Được hình thành từ những tấm lòng nhân ái, nhiều năm qua, chương trình trao học bổng “Đọt chuối non” đã nâng đỡ, khích lệ hàng nghìn học sinh, sinh viên nghèo nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, theo đuổi ước mơ học tập của mình.

Nâng đỡ những phận trò nghèo

Ngay từ khi sinh ra, em Hoàng Thị Bảo Thy (lớp 2A, Trường Tiểu học La Văn Cầu, xã Cư San, huyện M’Drắk) bị chứng bệnh u mỡ kéo lệch mặt khiến việc phát âm và ăn uống rất khó khăn. Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ phải bươn chải đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Dẫu vậy, em vẫn cố gắng chăm chỉ học tập, hòa đồng với bạn bè.

Tại lễ trao học bổng “Đọt chuối non” lần thứ 17 do Hội Từ tâm Đắk Lắk tổ chức vừa qua, trong số 121 học sinh hiếu học, vượt khó trên địa bàn tỉnh được nhận học bổng, Bảo Thy đã được trao suất học bổng đặc biệt hỗ trợ về y tế với khoản tài trợ 100 triệu đồng chữa bệnh. Anh Hoàng Phúc Kim, bố của Bảo Thy cho hay, Bảo Thy đã trải qua ba lần phẫu thuật và theo lời bác sĩ thì còn phải tiếp tục phẫu thuật nữa. Bởi thế, sự hỗ trợ này vô cùng quý giá đối với gia đình anh.

Em Hoàng Thị Bảo Thy cùng bố mẹ tại Lễ trao học bổng "Đọt chuối non" lần thứ 17.

Bảo Thy là một trong số hàng nghìn học sinh nghèo hiếu học được hỗ trợ, tiếp sức từ chương trình học bổng “Đọt chuối non”. Không chỉ trao học bổng, chương trình còn tìm hiểu cặn kẽ hoàn cảnh của từng em và giúp đỡ kịp thời những hoàn cảnh đặc biệt. Cách đây 12 năm, suất học bổng “Đọt chuối non” đầu tiên được trao cho Nguyễn Dũng Hiếu (học sinh lớp 9, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, TP. Buôn Ma Thuột). Hoàn cảnh của Hiếu hết sức ngặt nghèo, bố mất sớm, anh trai phải nghỉ học ra Hà Nội làm thuê nuôi mẹ điều trị bệnh suy thận giai đoạn cuối. Hiếu ở lại Đắk Lắk vừa đi học, vừa đi làm thuê đủ nghề để kiếm sống và phụ giúp thêm viện phí cho mẹ. Khi đó, ban quản trị chương trình học bổng “Đọt chuối non” không chỉ tặng Hiếu suất học bổng 5 triệu đồng, mà còn liên hệ giúp mẹ em được hỗ trợ điều trị ở bệnh viện gần nhà và tìm việc làm cho anh trai tiện chăm sóc mẹ. Vài năm sau đó, Hiếu lại được trao học bổng “Đọt chuối non”, giúp em tiếp tục con đường học tập.

Lan tỏa tấm lòng nhân ái

Đến nay đã là năm thứ 12 chương trình học bổng “Đọt chuối non” được hình thành và phát triển; số lượng học sinh được nhận học bổng tăng dần qua từng năm. Kết quả đó là nhờ sự đóng góp tích cực của các nhà tài trợ, nhà hảo tâm và chính những thành viên của Hội Từ tâm Đắk Lắk. Có những đơn vị, doanh nghiệp đồng hành bền bỉ nhiều năm liền như: Hội Hữu nghị Pháp - Việt vùng Choisy Le Roi, Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Đăng Phong, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Đắk Lắk, Tập đoàn Trung Nguyên Legend, “Chuyến xe Yêu thương” của nhà xe Long Vân Limousine, Quỹ Nghèo nhân ái của một cộng đồng người Việt yêu nước tại Mỹ...

Học sinh hiếu học, vượt khó nhận học bổng tại Lễ trao học bổng "Đọt chuối non" lần thứ 17.

Bên cạnh đó, chương trình học bổng còn nhận được sự ủng hộ của những cá nhân có tấm lòng vàng. Đơn cử như có một cá nhân là thương binh (xin giấu tên), gia cảnh chưa hết khó khăn, suốt 10 năm qua vẫn đều đặn tiết kiệm 1/3 suất trợ cấp thương binh mỗi tháng để góp tặng chương trình. Và cả Nguyễn Dũng Hiếu, học sinh nhận suất học bổng “Đọt chuối non” đầu tiên, sau khi đã đi làm và có lương, đều đặn 5 năm qua, năm nào cũng dành tiền gửi tặng học bổng “Đọt chuối non” với hy vọng góp phần tiếp thêm động lực, ý chí, chắp cánh ước mơ cho các em học sinh như mình đã được tiếp sức năm xưa...

Nhờ sự chung tay của những tấm lòng nhân ái, qua 17 lần tổ chức Lễ trao học bổng “Đọt chuối non”, chương trình đã trao trên 1.000 suất học bổng cho các tấm gương sáng học đường của ba tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai. Tổng số tiền học bổng, quà tặng, xây nhà, giúp học sinh mắc bệnh hiểm nghèo được điều trị từ chương trình trị giá khoảng 4,7 tỷ đồng.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.