Chuyện cà phê trên đất Mỹ
Tôi bay tới thành phố Boston ở bờ Đông nước Mỹ vào đúng trưa. Ăn tạm một tô phở chính gốc Việt Nam xong tôi đi loanh quanh khu phố và theo thói quen tìm kiếm một chỗ ngồi cà phê để nhìn ngắm. Ngay con phố đầu tiên, ở góc đường đã nhìn thấy quán cà phê. Ngạc nhiên hơn là trên tấm bảng đặt ở các bàn nhỏ và tấm bảng lớn ở quầy cà phê có một phần nội dung ghi rõ: Ca Phe Viet Nam. Lướt qua bảng giá có các loại: Vietnamese Ice Coffee 5,35$, Vietnamese Hot Coffee 4,95$, Vietnamese Coffee W/Coffee Foam (Iced) 6,35$, Vietnamese Iced Coffee W/Boba 5,95$, Ca Phe Hoi An (w/seasalt caramel) 6,25$, Saigon Frappe (w/Vietnamese coffee) 6,35$, Vietnamese Coffee Iced w/crème brulee 6,35$... Tôi gọi ly cà phê đá Việt Nam với giá 5,35$ và nhấp thử, hoàn toàn giống vị cà phê đá mà tôi hay uống ở gần cơ quan trước giờ đi làm buổi sáng.
Đọc tài liệu mới hay rằng, người Mỹ biết đến cà phê rất sớm, vào khoảng đầu thế kỷ 17 song thức uống này không được ưa chuộng lắm. Phải hơn thế kỷ sau, phong cách uống cà phê theo kiểu châu Âu, cụ thể phong cách Ý mới du nhập và định hình ở nước Mỹ. Trong suốt thời gian thăm chơi ở Mỹ, tôi quan sát, gặp gỡ nhiều người và nhận thấy: Phong cách ăn uống của dân Mỹ rất thoải mái, không gò bó, ai thích gì làm nấy. Nên cách uống cà phê cũng vậy, rất đa dạng. Có người thích nhanh gọn thì uống cà phê pha sẵn xách đi nhưng cũng có người cầu kỳ, sành điệu và rảnh rỗi thì vẫn ngồi “thiền” bên ly cà phê suốt buổi.
Du khách Việt trong quán cà phê ở Mỹ. |
2.Nói về hương vị, cà phê gốc Mỹ chính hiệu pha rất nhạt, cả hương lẫn vị đều chỉ thoang thoảng cà phê. Những gia đình gốc Mỹ lâu đời hoặc những người Mỹ lớn tuổi cho biết cà phê pha loãng xem như thức uống cả ngày, lúc nào khát thì uống, kiểu như ta uống chè xanh vậy. Song, xã hội vận động, giới trẻ Mỹ ngày nay học tập, du lịch, làm việc nhiều nơi trên thế giới nên cách uống cà phê cũng thay đổi. Nhiều thanh niên Mỹ cho biết, cà phê Việt Nam và cách uống cà phê theo kiểu Việt Nam ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Ví dụ cụ thể như tôi vừa kể, không chỉ ở Boston mà các thành phố lớn khác như New York, Washington D.C., Philadelphia, Los Angeles… đều có các địa điểm bán cà phê Việt Nam hoặc chí ít trong nhóm thức uống đa dạng có thương hiệu cà phê Việt Nam.
Cộng đồng người Việt ở Mỹ rất lớn, tập trung nhiều nhất là ở quận Cam bang Cali (gọi tắt của Orange county của bang California). Hôm tôi đến đây, chỗ Little Saigon, thấy có cả quán cà phê vỉa hè. Trên một bàn nhỏ còn có hai bác lớn tuổi vừa nhâm nhi cà phê vừa đánh cờ tướng. Nhìn cứ như đang ở Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ ở khu đông người Việt mới có cảnh tượng này. Ở những nơi khác trên đất Mỹ không có quán vỉa hè nên cà phê Việt Nam không có nhiều đất để “phô diễn”. Những người bạn tôi đã định cư ở Mỹ cho biết, họ thường đem cà phê quê nhà sang đây tự pha uống. Cà phê mang sang nhiều nhất là các thương hiệu ở Tây Nguyên như Trung Nguyên, Ban Mê, Da vàng… Một du học sinh Việt Nam tự hào kể: “Lúc con mới sang, buổi sáng pha cà phê phin theo kiểu Việt Nam khiến mấy bạn sinh viên Mỹ cùng phòng, cùng dãy ký túc xá cứ hít hà, cà phê gì mà thơm dữ vậy. Đến khi được mời uống, bạn nào cũng tấm tắc, cà phê Việt Nam number one!”
Những ngày ở Mỹ tôi đi khá nhiều chợ mua bán. Gọi là “chợ” nhưng thực chất là các siêu thị. Ở đâu tôi cũng nhìn thấy có gian hàng bán cà phê mà trong đó luôn có cà phê Việt Nam. Hỏi ra mới biết, rất nhiều người Mỹ (nhưng có thể gốc Âu, Ấn, Á, Phi…) biết và thích cà phê Việt Nam. Họ cũng học hỏi cách pha chế rồi mua về nhà tự pha uống. Nhiều người sành điệu, ngoài cà phê đen còn biết uống cà phê sữa, biết pha cà phê trứng, cà phê dừa, cà phê muối…
3. Nghe những câu chuyện trên ắt có người chưa thấu cảm. Người Mỹ vốn ưa thích tốc độ, thích sự nhanh nhẹn và chú tâm vào công việc, thời gian đâu mà chờ đợi và thưởng thức cà phê theo kiểu Việt Nam. Họ thường uống cà phê Starbucks kiểu Mỹ chẳng hạn, loại cà phê đang làm mưa làm gió trên thị trường thế giới. Đúng là vậy, người Mỹ thích cà phê Arabica (nguyên liệu của cà phê Starbucks) hơn cà phê Robusta (vốn được trồng nhiều ở Việt Nam). Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm trước. Giờ thì khác, nhiều người Mỹ đã làm quen với hương vị cà phê Robusta và yêu thích dòng sản phẩm cà phê Việt Nam. Bằng chứng là, theo số liệu chưa đầy đủ, chỉ riêng nhãn hiệu Nguyen Coffee Supply đã có mặt trên gần 600 siêu thị toàn nước Mỹ, thông qua hệ thống bán lẻ cao cấp Whole Foods. Hiện nay, Việt Nam cũng là quốc gia xếp thứ hai trong việc cung cấp cà phê Robusta cho thị trường Mỹ.
Vậy ra, thị trường Mỹ không còn là vấn đề khó khăn cho cà phê Việt Nam. Tôi nghĩ, nếu các công ty lớn, các thương hiệu cà phê nổi tiếng biết cách tiếp thị, quảng bá, biết tìm ra “gu” thưởng thức để tạo ra những dòng sản phẩm thích hợp cho người Mỹ thì cà phê Việt Nam, trong tương lai sẽ chinh phục và có vị trí xứng đáng trong thế giới ẩm thực của quốc gia tiềm năng với hơn 300 triệu dân này. Vấn đề của câu chuyện là ai, khi nào, cách gì và bao lâu? Là câu chuyện của lòng quyết tâm khởi nghiệp và giấc mơ đưa cà phê Việt Nam vượt Thái Bình Dương đến với nước Mỹ ở bên kia bán cầu.
Giấc mơ Cà phê Việt trên đất Mỹ đã từng bước trở thành hiện thực. Mới đây thôi, tháng 10/2023, báo chí Việt Nam và Mỹ đều đưa tin, Trung Nguyên Legend đã khai trương không gian cà phê cũng như tiếp thị “cà phê phin” ở Westminster (bang California), ngay chính đại lộ Bolsa, khu Litte Saigon, nơi được xem là thủ phủ của cộng đồng người Việt ở Mỹ. Với slogan “Khác biệt – Đặc biệt – Duy nhất”, tại đây, không chỉ khách hàng người Việt mà cả khách Tây sẽ được trải nghiệm và thưởng thức các loại cà phê phin như Cà phê Legend, Cà phê số 1, 2, 3, 5, 8, cà phê Ý, cà phê sữa đá, cà phê trứng, cà phê muối, cà phê dừa… được chế biến 100% từ hạt cà phê Robusta và Arabica ngon nhất trồng và thu hoạch ở vùng đất Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk cùng các khu vực lân cận khác ở Tây Nguyên. Đây cũng là dấu mốc đánh dấu sự hợp tác giữa những tập đoàn cà phê lớn mạnh của Việt Nam và các công ty phân phối lớn ở Mỹ.
Hy vọng, từ những bước khởi động mạnh mẽ và phương pháp tiếp thị ấn tượng, cà phê Việt Nam sẽ mở ra cánh cửa tương lai rộng mở ở các thị trường lớn khắp thế giới như Trung Quốc, châu Âu… trong đó có thị trường Mỹ đầy tiềm năng và cơ hội.
Thiên Đan
Ý kiến bạn đọc