Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công

08:12, 26/02/2024

Trong Chương trình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 vừa mới ban hành, UBND tỉnh Đắk Lắk đã nhấn mạnh đến việc tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản công và quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.

Hiện nay, việc thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đang được áp dụng theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công. Trên tinh thần đó, từ tháng 3/2020, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đối với hơn 4.646 cơ sở nhà, đất. Trong đó, phương án giữ lại tiếp tục sử dụng gồm 4.534 cơ sở, thu hồi 21 cơ sở, điều chuyển 54 cơ sở và bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 37 cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, các địa phương đang gặp phải nhiều khó khăn khi bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đối với những dạng tài sản công này.

Trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (cũ) nằm ở vị trí đắc địa bỏ hoang từ nhiều năm nay. Ảnh: Tuyết Thúy

Tháng 10/2023, Báo Đắk Lắk đã có loạt bài 3 kỳ với tiêu đề: “Sắp xếp tài sản dôi dư: Bất cập và lúng túng” phản ánh tình trạng các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi xử lý tài sản công mà cụ thể là các trụ sở dôi dư sau sáp nhập, chuyển địa điểm mới, dẫn đến tình trạng lãng phí, bỏ hoang nhiều cơ sở nhà, đất. Nguyên nhân trước hết là do các địa phương, đơn vị thiếu quyết liệt, còn lúng túng, không đề xuất được phương án giải quyết phù hợp. Bên cạnh đó, khách quan thì các quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất những năm qua dù được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhiều, nhưng quy định về trình tự, thủ tục trong bán đấu giá nhà, đất vẫn chưa rõ ràng, còn chung chung. Phương án bán đấu giá mất nhiều thời gian vì phải theo quy trình, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng là nguyên nhân cản trở đến việc xử lý nhà đất dôi dư, tài sản công.

Trước thực tế trên, trong Chương trình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị phải tập trung đẩy nhanh công tác sắp xếp, xử lý nhà đất theo quy định để đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo kế hoạch chung của cả nước. Chính quyền các địa phương phải có các giải pháp xử lý cơ bản các cơ sở nhà, đất bị lấn chiếm, có tranh chấp, sử dụng sai mục đích, thiếu hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc; kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp các cơ sở đã được phê duyệt, nhất là các cơ sở nhà, đất phải thu hồi, đấu giá. Cùng với đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tài sản các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập, các địa phương tiếp tục phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định, không để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa.

Tỉnh cũng nhấn mạnh đến việc tập trung triển khai Đề án tổng kiểm kê tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, đảm bảo trước năm 2025 hoàn thành việc tổng kiểm kê tài sản công.

Để thực hiện mục tiêu trên, toàn tỉnh tiếp tục rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó tập trung việc sửa đổi, bổ sung quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công, làm cơ sở để tổ chức khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ các loại tài sản này. Cùng với tiếp tục thực hiện hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu thành phần, kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công để từng bước cập nhật, quản lý thông tin của các loại tài sản công theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Đặc biệt, các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công và kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong sử dụng, gây thất thoát, lãng phí tài sản công.

Mạnh Phong


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.