Từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Lắk đã tích cực triển khai các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân có sinh kế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.
Đa dạng hóa sinh kế
Thực hiện Dự án 2 - Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã triển khai 87 dự án; trong đó, có 84 dự án chăn nuôi, 2 dự án trồng trọt, 1 dự án hỗ trợ công cụ sản xuất với 1.753 hộ được thụ hưởng (gồm 1.184 hộ nghèo, 421 hộ cận nghèo, 62 hộ mới thoát nghèo, 86 hộ làm kinh tế giỏi). Việc đa dạng hóa sinh kế đã và đang là giải pháp hữu hiệu trong thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Cán bộ xã Đắk Liêng (huyện Lắk) hướng dẫn người dân cách chăm sóc bò sinh sản sau khi được hỗ trợ. |
Tại xã Đắk Liêng (huyện Lắk), từ nguồn vốn được giao, địa phương đã triển khai hỗ trợ 65 con bò sinh sản cho các hộ nghèo trên địa bàn xã tại 3 buôn Drên A, buôn Kam và buôn Yuk. Là một trong những hộ được hỗ trợ bò giống sinh sản, chị H Ruyên Je (buôn Drên A) phấn khởi nói: “Gia đình tôi không có đất rẫy, ruộng vườn nên bao nhiêu năm nay cuộc sống phụ thuộc vào công việc làm thuê, làm mướn bấp bênh của hai vợ chồng. Đến cuối năm vừa rồi, được Nhà nước hỗ trợ một con bò cái sinh sản tôi rất mừng. Hy vọng bò sinh trưởng tốt, sớm sinh sản để phát triển kinh tế gia đình”.
Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều chung toàn tỉnh giảm từ 10,94% xuống còn 9,15% (từ 54.689 hộ xuống còn 46.091 hộ); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 23,08% xuống còn 19,7% (từ 35.982 hộ xuống còn 31.229 hộ). |
Tương tự, hộ ông Y Kie Je (buôn Drên A) cũng được hỗ trợ bò sinh sản để phát triển kinh tế. Gia đình ông có hai người con, vì cuộc sống khó khăn nên người con lớn phải nghỉ học để đi làm thêm phụ giúp gia đình. Ngoài được hỗ trợ bò, gia đình còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ khác như tiền điện, cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); con cái được miễn giảm học phí; lắp đặt mạng Internet... Từ khi được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách dành cho hộ nghèo, gia đình ông đã giảm bớt rất nhiều gánh nặng, yên tâm làm ăn để vươn lên thoát nghèo.
Theo bà Sao Mai Len, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Liêng, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đa chiều, ngoài chương trình hỗ trợ bò sinh sản, xã Đắk Liêng đã triển khai hỗ trợ giống lúa cho các hộ nghèo, cận nghèo; đồng thời đang triển khai các bước để hỗ trợ mô hình nuôi heo, cấp bồn chứa nước và triển khai xây dựng nhà ở... Các hộ thụ hưởng mô hình đều được tập huấn kiến thức, trang bị kỹ năng chăn nuôi, sản xuất để có thể phát huy tốt nguồn vốn, từ đó vươn lên để thoát nghèo.
Cải thiện mọi mặt cuộc sống
So với các chương trình giảm nghèo trước đây, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 được xác định khó và phải huy động sự vào cuộc của cộng đồng và toàn xã hội bởi không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà đòi hỏi giảm nghèo toàn diện, đa chiều, bền vững, hạn chế tối đa tái nghèo; chuyển hoàn toàn cơ chế hỗ trợ từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện. Điều này đòi hỏi mỗi đơn vị, địa phương phải quyết tâm cao, kiên trì, có tầm nhìn xa hơn mới có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Công trình thủy lợi buôn Cuôr (xã Yang Tao, huyện Lắk) được đầu tư xây dựng hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Ảnh: Hoàng Tuyết |
Chính vì thế, theo Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Hoàng Giang, chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 đã và đang tập trung hỗ trợ người nghèo giải quyết những vấn đề quan trọng như sinh kế, học nghề, chuyển giao công nghệ, việc làm, có thu nhập ổn định; triển khai một số dự án, tiểu dự án, nội dung mới như phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, nhà ở, cải thiện dinh dưỡng, truyền thông nhân rộng sáng kiến giảm nghèo và khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Kết quả, giai đoạn 2021 - 2023, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ học nghề cho 5.127 lượt lao động nông thôn; cấp phát thẻ BHYT cho trên 2,4 triệu lượt người; hỗ trợ học phí, chi phí học tập, gạo, tiền ăn, tiền nhà ở... cho gần 73.000 lượt học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tỉnh đã chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như đường giao thông, thủy lợi để phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn các huyện nghèo Ea Súp và M’Drắk. Nhờ vậy, các chỉ tiêu giảm nghèo theo chuẩn đa chiều trên địa bàn đều đạt kế hoạch đề ra.
Hồng Thúy
Ý kiến bạn đọc