Multimedia Đọc Báo in

Bếp cơm “đồi mồi”

10:59, 17/06/2024

Sáng sớm, trong khu vườn ngôi nhà 65 Đào Tấn (TP. Buôn Ma Thuột) tràn ngập tiếng cười nói của những ông bà tuổi 60 - 70. Những mái đầu đã điểm bạc, những đôi tay với nhiều nếp đồi mồi thoăn thoắt chuẩn bị bữa cơm 0 đồng đến bệnh nhân nghèo.

Cứ 6 giờ sáng thứ Bảy hằng tuần, các thành viên của bếp cơm Như Pháp lại tập trung tại nhà bà Nguyễn Thị Kim Oanh để nổi lửa, cùng nhau làm công việc thầm lặng chứa đầy yêu thương. Để có được những suất cơm ấm nóng, kịp chuyển đến tay các bệnh nhân, bếp cơm phải chuẩn bị từ ngày hôm trước. Người lên thực đơn, người đi chợ, người nhặt rau, người sơ chế đồ ăn...  Buổi sáng ở đây vô cùng sôi động và ấm áp tình người.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng nhóm bếp cơm Như Pháp chuẩn bị các mẫu thức ăn để lưu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng nhóm bếp cơm Như Pháp cho biết, có những thời điểm, bếp phục vụ tới 500 suất ăn trao tặng những bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Y học cổ truyền và Khoa chạy thận của Bệnh viện TP. Buôn Ma Thuột nên công việc cũng khá vất vả. Thực đơn mỗi bữa ăn với thịt, rau củ quả, trái cây tráng miệng đủ chất dinh dưỡng được chuẩn bị chu đáo. Bếp cũng nhận được nhiều sự ủng hộ thực phẩm từ các nhà hảo tâm nên thực đơn được thay đổi thường xuyên. Bếp cơm Như Pháp không chỉ nấu cơm cho bệnh nhân nghèo mà còn nhận nuôi, chăm sóc 4 hoàn cảnh neo đơn, mắc bệnh hiểm nghèo; vận động xây nhà Tình nghĩa cho các hoàn cảnh khó khăn…

Các thành viên của bếp cơm Như Pháp là những người đã ở tuổi ông, tuổi bà đến từ nhiều nơi, có nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng có điểm chung là tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng làm việc có ích vì cộng đồng. Theo bếp cơm từ những ngày đầu, bà Long Thị Sam (71 tuổi) được biết đến như một thành viên “truyền thông” lưu lại những thước phim về hoạt động thiện nguyện của cả nhóm. “Tôi thường quay phim, phát trực tiếp lên trang cá nhân của mình. Từ những thước phim ấy đã kết nối được nhiều tấm lòng hảo tâm đóng góp cho bếp cơm thêm mạnh”, bà Sam chia sẻ.

Tại bếp có “đôi bạn” cùng làm việc thiện, đều đặn mỗi ngày bà Nguyễn Thị Bé (66 tuổi) nhà ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) đến chở bà Trần Thị Hằng (63 tuổi) đi tham gia nấu cơm từ thiện. Đã 5 năm nay, hai bà cùng nhau đồng hành đi khắp các bếp cơm trong thành phố, ở đâu cần người phụ giúp là có mặt. “Tôi không biết đi xe máy, may mắn tôi gặp chị Bé có chung niềm yêu thích nấu cơm thiện nguyện. Chúng tôi làm việc bằng cả trái tim chân thành, bởi cho đi là còn mãi”, bà Hằng tâm sự.

Mỗi người mỗi việc cùng nhau chuẩn bị những suất ăn 0 đồng cho bệnh nhân nghèo.

Thầy Tịnh Hòa, thành viên của bếp cơm Như Pháp chia sẻ: “Ở đây chúng tôi đều là những người già yêu đời, yêu người. Không kể chuyện lớn hay chuyện nhỏ, thật ý nghĩa khi chúng tôi được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng”.

Mỗi ngày dành thời gian rảnh rỗi của tuổi già để làm công việc thiện nguyện, họ đã cùng nhau thổi bùng lên bếp cơm lấp lánh tình người. Mỗi suất cơm tuy nhỏ nhưng đã góp phần chia sẻ bớt gánh nặng, âu lo của những người bệnh nghèo, khó khăn, động viên họ vượt qua bệnh tật. Cũng từ đó lan tỏa, kết nối những tấm lòng thiện nguyện trong cộng đồng...

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.