Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Năng: Người đàn ông bị rắn cạp nia cắn tử vong

15:56, 23/08/2024

Ngày 23/8, Trung tâm Y tế huyện Krông Năng xác nhận, trên địa bàn huyện vừa xảy ra vụ việc một người đàn ông bị rắn cạp nia cắn được đưa vào trung tâm cấp cứu, sau đó chuyển viện tuyến trên nhưng đã tử vong. 

Vào lúc 0 giờ 15 phút ngày 10/8, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực (Trung tâm Y tế huyện) tiếp nhận một bệnh nhân là anh Y.Q. Niê Kđăm (37 tuổi, trú tại buôn Wiao, thị trấn Krông Năng) nhập viện do bị rắn cắn vào cổ chân. 

Theo lời kể của gia đình, khoảng 23 giờ 40 phút ngày 9/8, nghe tiếng con trai la hét, có rắn bò vào nhà. Anh Y. Q. thức dậy, đánh đuổi con rắn. Anh đuổi được một con, con còn lại bỏ chạy rồi bất ngờ cắn vào cổ chân của anh.

Ngay sau đó, gia đình đưa anh Y. Q. đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu. Tuy nhiên, bệnh tình chuyển biến nặng nên anh được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh),  rồi sau đó chuyển về Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị (với suy nghĩ còn nước còn tát). 

Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực nhưng bệnh tình không có chuyển biến, vào lúc 23 giờ 35 phút ngày 22/8 anh Y.Q. đã tử vong.

Rắn cạp nia. Hình minh họa.
Rắn cạp nia. Hình minh họa.

Theo Bác sĩ CKI Nguyễn Minh Cảnh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Năng, loại rắn độc cắn vào cổ chân anh Y.Q. là rắn cạp nia, khiến anh mất phản xạ.

Cạp nia thuộc họ rắn hổ, da màu đen xanh, có những khoang trắng đen rõ nét nối tiếp nhau, sống hoang dại. Nọc độc của rắn cạp nia có thể gây nhiễm độc thần kinh với các biểu hiện sụp mi mắt, nói đớ, nuốt nước miếng không được, khó thở và diễn tiến ngưng thở, tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Khi bị rắn cắn, cần bình tĩnh, rửa sạch vết cắn để tránh nhiễm trùng, bất động chi bị rắn cắn, đặt chi thấp hơn so với tim và nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Không nên rạch da, nặn hút vết cắn hoặc đắp lá cây lên vết cắn vì làm tăng nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng. Hạn chế buộc ga-rô phía trên vết cắn vì làm tăng nguy cơ hoại tử chi bị cắn.

"Đặc biệt, cần ghi nhận đặc điểm con rắn hoặc nếu bắt được, đập chết con rắn nên mang theo đến cơ sở y tế để giúp bác sĩ xác định chính xác loại rắn cắn, quyết định điều trị huyết thanh kháng nọc rắn thích hợp", bác sĩ Nguyễn Minh Cảnh khuyến cáo.  

Thế Hùng
 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Thư kêu gọi ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk vừa có Thư kêu gọi toàn thể Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài tỉnh đóng góp, ủng hộ, chia sẻ với nhân dân các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão, lũ gây ra.