Khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số
Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đang tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025 (Chương trình 1719). Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ để đạt mục tiêu đề ra.
Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN KÍNH, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
* Thưa ông, Đắk Lắk là địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, việc triển khai Chương trình 1719 có ý nghĩa như thế nào tại địa phương?
Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 337 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 520 hộ; đang triển khai thực hiện đầu tư 15 dự án ổn định, sắp xếp dân cư tại chỗ cho đồng bào DTTS tại 7 huyện; đầu tư mới 157 công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống; đầu tư 18 trường phổ thông dân tộc nội trú tại 14 huyện, thị xã, thành phố; duy tu, bảo dưỡng 174 công trình kết cấu hạ tầng trong vùng đồng bào DTTS.
Chương trình 1719 đã góp phần giúp đời sống của nhân dân vùng đồng bào DTTS từng bước được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS từ 26,74% năm 2021 giảm xuống còn 19,7% cuối năm 2023, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện cả về lượng và chất; môi trường nông thôn vùng DTTS đã có chuyển biến đáng kể. Đến nay, có 2 xã khu vực II đã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã và điện lưới quốc gia; 98% số hộ được dùng điện sinh hoạt.
* Trong quá trình thực hiện chương trình này, Đắk Lắk gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?
Khó khăn của tỉnh Đắk Lắk là tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS ở một số địa phương còn cao, chủ yếu tập trung ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Việc triển khai một số nội dung tại địa phương bị ảnh hưởng do Trung ương chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 phê duyệt đầu tư chương trình.
Quỹ đất công của một số địa phương để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân còn hạn chế; quỹ đất từ nông, lâm trường bàn giao cho địa phương phải chờ phương án sử dụng đất được phê duyệt và điều chỉnh bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; định mức hỗ trợ theo quy định để thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở thấp so với chi phí thực tế.
Mặt khác, các hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở, đã có đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở, nhưng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên khó khăn trong việc thực hiện hỗ trợ nhà ở. Bên cạnh đó, nguồn vốn thực hiện xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề thuộc Dự án 1 theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ chưa được bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội để bố trí cho đối tượng thuộc chương trình vay vốn.
* Mục tiêu, kế hoạch đến năm 2025 của Chương trình 1719 là rất lớn, trong khi thời gian còn lại không nhiều. Vậy tỉnh Đắk Lắk có những giải pháp gì trong thời gian tới?
Đắk Lắk sẽ tập trung thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức triển khai chương trình; chỉ đạo, hướng dẫn địa phương triển khai các hoạt động đầu tư của chương trình bảo đảm kịp thời, đúng kế hoạch; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương, các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để bổ sung nguồn lực cho triển khai thực hiện; chú trọng lồng ghép để thúc đẩy bình đẳng giới trong thực hiện các nhiệm vụ của chương trình. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin, nâng cao năng lực nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS về Chương trình 1719, góp phần tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của người nghèo, của đồng bào các DTTS.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm hiệu quả chương trình, địa phương đề nghị Ủy ban Dân tộc kiến nghị Chính phủ xem xét tăng định mức hỗ trợ tại Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg để bảo đảm khả năng thực hiện các nội dung như đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt phù hợp với tình hình thực tế; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm tham mưu, đề xuất bổ sung đối tượng thụ hưởng của Tiểu dự án 3 Dự án 5; Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam sớm giao chỉ tiêu kinh phí cho vay vốn tín dụng năm 2024 theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ để cho vay thực hiện xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề thuộc Dự án 1.
* Xin cảm ơn ông!
Minh Chi (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc