Multimedia Đọc Báo in

Quy định chi trả chính sách trợ giúp xã hội thông qua tổ chức dịch vụ chi trả trên địa bàn tỉnh

11:25, 13/01/2024

UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 03/2024/QĐ-UBND về việc Quy định phương thức chi trả và mức chi phí chi trả chính sách trợ giúp xã hội thông qua tổ chức dịch vụ chi trả trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, việc chi trả qua tài khoản ngân hàng, tài khoản thanh toán điện tử sẽ được chi trả vào tài khoản của đối tượng hoặc tài khoản của người giám hộ, người được ủy quyền. Chi trả trực tiếp bằng tiền mặt thông qua tổ chức dịch vụ chi trả: chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho đối tượng tại các điểm chi trả; hoặc chi trả theo địa chỉ (tại nhà đối tượng) đối với các đối tượng đặc thù như người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi không thể đi lại để nhận tiền tại các điểm chi trả, không có người ủy quyền.

a
Nhân viên Bưu điện huyện Krông Búk chi trả lương hưu và trợ cấp xã hội tại nhà cho người dân thời điểm đại dịch COVID-19. (Ảnh minh họa)

Mức chi phí chi trả cho tổ chức dịch vụ chi trả được xác định theo tỷ lệ % trên tổng số tiền chi trả cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại xã, phường, thị trấn của các huyện, thị xã, thành phố. Cụ thể, mức chi phí chi trả đối với phương thức điện tử: Mức 1,0% trên tổng số tiền chi trả cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Mức chi phí chi trả đối với phương thức chi trả trực tiếp bằng tiền mặt: Mức 1,7% trên tổng số tiền chi trả cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại địa bàn các phường, thị trấn và 1,9% trên tổng số tiền chi trả cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại địa bàn các xã.

Kinh phí thực hiện chi trả cho tổ chức dịch vụ chi trả đuợc bố trí trong dự toán chi đảm bảo xã hội theo phân cấp ngân sách của địa phương.

UBND cấp huyện lựa chọn tổ chức dịch vụ chi trả chính sách trợ giúp xã hội theo quy định của pháp luật; việc lựa chọn tổ chức dịch vụ chi trả phù hợp với điều kiện chi trả tại địa phương. Tổ chức thực hiện chi trả bảo đảm yêu cầu có kinh nghiệm, có mạng lưới điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn; có thể đảm nhiệm việc chi trả tại nhà cho một số đối tượng đặc thù; bảo đảm kịp thời và an toàn trong việc chi trả.

Trước ngày 25 hằng tháng, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) căn cứ danh sách đối tượng thụ hưởng, số kinh phí chi trả tháng sau, số kinh phí còn lại chưa chi trả các tháng trước (nếu có) thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước và chuyển vào tài khoản tiền gửi của tổ chức dịch vụ chi trả; đồng thời chuyển danh sách chi trả để tổ chức dịch vụ chi trả cho đối tượng thụ hưởng tháng sau. Trong thời gian chi trả, cử người giám sát việc chi trả của tổ chức thực hiện chi trả.

Hằng tháng, tổ chức dịch vụ chi trả tổng hợp, báo cáo danh sách đối tượng đã nhận tiền, số tiền đã chi trả; danh sách đối tượng chưa nhận tiền để chuyển chi trả vào tháng sau, số kinh phí còn lại chưa chi trả và chuyển chứng từ cho Phòng LĐ-TB&XH trước ngày 20 hằng tháng để tổng hợp quyết toán kinh phí chi trả theo quy định.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 21/1/2024.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.