Multimedia Đọc Báo in

Cuộc chiến không tiếng súng

18:44, 23/09/2021

Trên trận tuyến chống “giặc” COVID-19 dẫu không có tiếng súng vẫn có những hy sinh, mất mát, đau thương. Để chống lại kẻ thù vô hình này, cả nước vẫn đang bền bỉ đoàn kết, gắng sức dốc toàn lực để sớm trở về trạng thái “bình thường mới”.

Tăng cường nguồn lực cho các tỉnh phía Nam chống dịch, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội đã nhanh chóng có mặt tại các điểm nóng, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Bộ đội không chỉ kiểm soát việc thực hiện giãn cách, tham gia tuyên truyền lưu động, mà còn giúp đỡ bà con tiếp cận lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Đã từng có những nghi ngại ban đầu, nhưng rồi dần dà, lửa nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của người lính Cụ Hồ trong thời gian qua đã tạo được niềm tin yêu trong lòng người dân.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên, thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động (Bộ Công an) lên đường chi viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chống dịch COVID-19. Ảnh: Kim Hoàng

Nơi tuyến đầu Tổ quốc, các chiến sĩ quân hàm xanh vẫn ngày đêm âm thầm thực hiện "nhiệm vụ kép". Bao nhiêu gian khó, áp lực bủa vây, nhưng không ngăn được sự đồng lòng, trách nhiệm. Các anh túc trực 24/24 giờ tại các lán trại giữa đại ngàn để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đồng thời ngăn chặn dịch lây lan qua biên giới. Đằng đẵng thời gian dài chưa thể về thăm gia đình, cũng có lúc tim nhói đau khi biết tin bố mẹ qua đời, người thân nhập viện, con cái ốm đau… nhưng vượt lên tất cả họ vẫn nỗ lực vì nhiệm vụ được giao phó.

Trên tuyến đầu chống dịch, in đậm hình ảnh cán bộ, nhân viên y tế làm việc không kể ngày đêm. Căng mình truy vết thần tốc ở các vùng dịch, xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng, giành giật với tử thần để bảo vệ tính mạng cho bệnh nhân… khiến họ gần như không có thời gian cho riêng mình. Đằng sau những bộ đồ bảo hộ kín mít ấy là khuôn mặt in hằn vết khẩu trang, những đôi mắt thiếu ngủ và những đôi tay nhăn nhúm, trắng bệch vì ngâm trong chính mồ hôi của mình nhiều giờ liền. Làm việc với nhịp độ khẩn trương, gấp gáp, nhiều người có lúc mệt nhoài, đuối sức. Vậy mà khi hồi phục, họ lại tiếp tục xông pha, để lại đằng sau bao nhung nhớ gia đình, con thơ với lời hẹn mong sẽ sớm hội ngộ…

Thấy được những hy sinh lặng thầm mà to lớn đó mới hiểu được rằng, giữa đại dịch, gia đình nào vẫn ngày ngày được quây quần, gần gũi nhau đã là quá hạnh phúc. Có lẽ thấu hiểu điều này, nên trong cuộc chiến chống "giặc vô hình" COVID-19, người dân cũng đã dần thích nghi với nhịp sống mới đúng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Không chỉ tuân thủ 5K, nhân dân còn khơi dậy sức mạnh nghĩa đồng bào khi gửi gắm, san sẻ yêu thương cho những người yếu thế trong đại dịch. Tấm lòng ấy được thể hiện bằng những bó rau xanh, cây trái vườn nhà, những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi được bà con nông dân chắt chiu, gửi tặng lên tuyến đầu. Đó còn là những phần ăn tự nấu, những gói hàng, vật dụng miễn phí được dành để san sẻ cho mảnh đời cơ cực trong “bão” dịch bệnh.

Người dân TP. Buôn Ma Thuột hạn chế ra đường khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, cuộc chiến không tiếng súng vẫn đang tiếp diễn mỗi ngày. Trong bối cảnh ấy, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc luôn được phát huy, tạo thành nguồn sức mạnh tập thể nhằm đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, thích ứng để trở lại cuộc sống “bình thường mới”.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.