Tầm soát thường xuyên để phát hiện sớm các bệnh về gan
Gan là cơ quan quan trọng của con người có chức năng chống nhiễm trùng, thải loại độc tố khỏi cơ thể, kiểm soát mức độ mỡ trong máu, bài tiết ra mật, giúp cho quá trình tiêu hóa mỡ và hỗ trợ tiêu hóa chung… Việc tầm soát thường xuyên để phát hiện sớm các bệnh về gan là rất quan trọng; tuy nhiên hiện vẫn chưa được nhiều người quan tâm.
Ông Vũ Đức Hoàng (55 tuổi, ở huyện Ea Súp) phát hiện mắc bệnh viêm gan B khoảng hai năm nay. Triệu chứng mà ông Hoàng thường gặp là luôn có cảm giác chán ăn, mệt mỏi, kèm theo đau bụng và nôn ói, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt cũng như lao động. Ông cho biết: “Tôi nghĩ mình bị bệnh gan có lẽ do sử dụng bia, rượu quá nhiều. Bản thân lại ít quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ, đến khi có triệu chứng đau, khó chịu tôi đi khám mới phát hiện bệnh”.
Còn ông Hoàng Văn Tuấn (60 tuổi, ở TP. Buôn Ma Thuột) do bận rộn với công việc nên không quan tâm đến kiểm tra sức khỏe. Cách đây bốn năm, khi cảm thấy cơ thể bất thường, ông Tuấn đã đi khám tổng quát thì phát hiện mắc bệnh viêm gan B. Điều trị tại TP. Hồ Chí Minh một thời gian, do đi lại khó khăn, tốn nhiều chi phí nên ông Tuấn chuyển về Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh để điều trị. Nhờ uống thuốc theo đúng phác đồ, kiểm tra sức khỏe định kỳ nên hiện nay bệnh tình của ông Tuấn đã cải thiện rất nhiều.
Người dân cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên, định kỳ để phát hiện sớm các bệnh về gan. Ảnh: Đình Thi |
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh lý về gan không ngừng gia tăng, như: gan nhiễm mỡ, viêm gan B, viêm gan C, xơ gan và ung thư gan… Ước tính hiện nước ta có khoảng 8 triệu người bị viêm gan, xơ gan, ung thư gan…Tình trạng gan nhiễm mỡ cũng ngày càng gia tăng với tỷ lệ 10 - 24% dân số. Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ người mắc bệnh viêm gan B cao nhất thế giới, chiếm gần 20%; tỷ lệ người mắc viêm gan C chiếm khoảng từ 3 - 5%. Đây đều là những căn bệnh nguy hiểm và việc điều trị mất rất nhiều thời gian và chi phí.
Có nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh về gan, trong đó những người uống nhiều rượu, bia; thường xuyên dung nạp thực phẩm chứa các hóa chất độc hại, chất bảo quản, hóa chất nhuộm màu, chất tăng trưởng, chất tạo nạc; những người béo phì; người mắc bệnh tiểu đường, hút thuốc, lạm dụng thuốc… dễ mắc các bệnh về gan hơn.
Tại Đắk Lắk, hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể về số người mắc các bệnh lý về gan, nhưng tại Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, số bệnh nhân nhập viện điều trị đều tăng hằng năm. Bác sĩ CKI Trần Văn Thành, khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho biết: “Có hai nhóm bệnh về gan hay gặp nhất là viêm gan do tình trạng sử dụng rượu bia quá mức và do siêu vi B. Gần đây, với tỷ lệ người dân tiêm phòng viêm gan B cao nên người mắc bệnh gan do siêu vi B giảm dần nhưng nhóm bệnh về gan do rượu, bia thì tăng lên rất nhiều. Và bệnh nhân thường đến bệnh viện điều trị khi tình trạng bệnh đã chuyển biến xấu, bị các biến chứng của gan khá nặng nề, việc điều trị khó khăn hơn”.
Theo các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, các bệnh về gan thường diễn tiến âm thầm, không có biểu hiện triệu chứng trừ khi tổn thương trầm trọng, vì thế rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Các bệnh về gan nếu không được theo dõi, hỗ trợ cải thiện sẽ dẫn đến suy giảm chức năng gan nặng không hồi phục, xơ gan, ung thư gan và có thể tử vong.
Do đó, việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe là yếu tố quan trọng để phòng ngừa bệnh tật nói chung và viêm gan nói riêng. Người bệnh khi phát hiện các dấu hiệu vàng da, vàng mắt, bụng to và đau, nước tiểu sậm màu, mỏi mệt kéo dài, ăn uống không ngon miệng, chán ăn, dễ buồn nôn, mất phương hướng, đãng trí, cơ thể phù nề, bụng trướng… cần đến ngay các cơ sở y tế để làm các xét nghiệm hoặc kiểm tra sức khỏe để có hướng điều trị phù hợp, tránh biến chứng nguy hiểm.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc