Giảm thiểu tình trạng bỏ điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone
Methadone là chất tổng hợp dùng để điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện qua đường uống.
Cơ chế hoạt động của methadone là lấp đầy các thể thụ cảm khiến heroin không còn cơ hội gắn vào tế bào não để gây ra cảm giác “phê sướng”, giúp người nghiện giảm hoặc mất cảm giác thèm nhớ ma túy. Methadone giúp người nghiện các chất dạng thuốc phiện giảm tần suất sử dụng và tiến tới ngừng sử dụng heroin, giảm tử vong do sốc thuốc, giảm lây nhiễm các bệnh qua đường máu (HIV, viêm gan B, C), giảm tình trạng phạm tội...
Methadone hoàn toàn không gây nghiện cho người sử dụng. Thời gian điều trị methadone càng lâu càng tốt, để cho các tổn thương não do tác động của heroin dần dần hồi phục, giảm nguy cơ tái sử dụng ma túy bất hợp pháp. Về lâu dài người bệnh có thể không cần thuốc nữa, thoát được ma túy, giảm dần liều đến khi hoàn toàn bình thường. Song phương pháp điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng methadone đòi hỏi bệnh nhân phải thực hiện nghiêm quy trình điều trị, hằng ngày đều đặn đến cơ sở điều trị uống thuốc, không bỏ liều, có sự giám sát của nhân viên y tế.
Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị methadone khá cao, đặc biệt các bệnh nhân ở xa cơ sở điều trị. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh chỉ có một cơ sở điều trị tại TP. Buôn Ma Thuột và hai điểm cấp phát tại các huyện Ea H’leo và Ea Kar; vì vậy, những bệnh nhân ở xa các cơ sở điều trị thường gặp trở ngại trong việc đi lại, không có điều kiện, phương tiện để đến cơ sở tham gia điều trị hằng ngày. Bên cạnh đó, một số bệnh nhân có công việc không ổn định, thường xuyên phải di chuyển cũng ảnh hưởng đến việc uống thuốc hằng ngày tại cơ sở điều trị. Ngoài ra, methadone cũng gây ra một số tác dụng không mong muốn (táo bón, sâu răng, giảm ham muốn tình dục…) làm ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân, mặc dù trước khi tham gia điều trị bệnh nhân đã được nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn cách khắc phục nhưng nhiều bệnh nhân không kiên trì thực hiện. Một số bệnh nhân không có sự hỗ trợ động viên của gia đình, cộng đồng và chính quyền địa phương nên thường bỏ điều trị; việc tuyên truyền người nghiện tham gia điều trị tại các địa phương chưa rộng khắp và hiệu quả, dẫn đến người nghiện không tuân thủ điều trị.
Bệnh nhân uống methadone tại bộ phận điều trị methadone của Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). |
Tính đến ngày 30/11/2021, có 696 bệnh nhân đăng ký tham gia điều trị tại bộ phận điều trị methadone của khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh); trong đó, số bệnh nhân đang quản lý và điều trị là 207, số bệnh nhân chuyển cơ sở khác 47, có 4 bệnh nhân tử vong. Đặc biệt, số bệnh nhân bỏ điều trị khá cao với 438 người (chiếm 62,9%), trong số này có 127 bệnh nhân đã quay lại điều trị.
Để khắc phục tình trạng bệnh nhân bỏ điều trị, nhân viên y tế bộ phận điều trị methadone đã đẩy mạnh tuyên truyền tư vấn, giáo dục nhóm về lợi ích, hiệu quả của việc điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, nhất là đối với nhóm người nghiện, gia đình có người nghiện ma túy khi vào đăng ký tham gia điều trị để họ tự giác chấp hành tuân thủ điều trị. Liên hệ với các cơ quan, ban, ngành tư vấn, giáo dục hướng nghiệp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho bệnh nhân điều trị thuốc methadone. Đồng thời, tham mưu Sở Y tế triển khai thêm các điểm cấp phát thuốc tại các huyện xa trung tâm để người nghiện tiếp cận với dịch vụ điều trị bằng thuốc thay thế methadone. Sắp tới, dự kiến sẽ áp dụng mô hình cấp thuốc điều trị methadone tại nhà đối với các bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt nếu Bộ Y tế thí điểm thực hiện thành công tại một số tỉnh. Giải pháp này giúp bệnh nhân hạn chế bỏ trị, thuận lợi đối với những người ở xa, có công ăn việc làm ổn định.
Hiện nay, thủ tục để một người nghiện các chất dạng thuốc phiện được điều trị methadone rất đơn giản: người nghiện ma túy chỉ cần đến cơ sở điều trị methadone và điền vào phiếu xin tự nguyện điều trị, xuất trình một loại giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, chứng minh thư… sẽ được cán bộ y tế tư vấn về phương pháp điều trị và làm các thủ tục tiếp nhận điều trị.
Nguyễn Công Thành
Ý kiến bạn đọc