Multimedia Đọc Báo in

Không chủ quan với bệnh viêm màng não

06:38, 16/01/2022

Khi trời chuyển sang xuân cũng là thời điểm nhiều bệnh truyền nhiễm phát triển, trong đó có bệnh viêm màng não, bao gồm cả viêm màng não do não mô cầu và viêm màng não mủ (Hib).

Viêm màng não là một dạng bệnh nhiễm trùng của màng não và có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, đặc biệt là trẻ em. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tê liệt chân tay, động kinh, điếc, mù, phù não, hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Màng não làm nhiệm vụ bảo vệ, bao bọc xung quanh não và tủy sống. Viêm màng não là một dạng nhiễm trùng ở các lớp mô quanh não bộ và tủy sống và thường do vi khuẩn HI, phế cầu, mô cầu hoặc do vi rút, ký sinh, nấm gây ra. Theo Tổ chức Y tế thế giới, viêm màng não do vi khuẩn có xu hướng nghiêm trọng nhất, lây lan nhanh và dẫn đến khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm. 1/10 người bị nhiễm có nguy cơ tử vong, chủ yếu là trẻ em và thanh niên. 1/5 người mắc có nguy cơ bị khuyết tật lâu dài, ví dụ như động kinh co giật, mất thính giác và thị lực, tổn thương thần kinh và suy giảm nhận thức.

Bệnh nhân mắc bệnh viêm màng não được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Quang Nhật

Theo bác sĩ CKI Phạm Thị Kim Quế, Trưởng khoa Nội - Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, khi mắc viêm màng não, bệnh nhân thường có các biểu hiện như sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn hoặc có những dấu hiệu về thần kinh như lơ mơ, bị liệt, cứng cổ, sợ ánh sáng… Nếu phát hiện bệnh nhân có các dấu hiệu như vậy, người nhà cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời bởi bệnh thường diễn tiến nặng.

Đặc biệt, viêm màng não là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ em, dẫn đến những hậu quả nặng nề cho trẻ, gây tử vong nhanh nếu không điều trị kịp thời. Trẻ mắc viêm màng não nếu không được phát hiện, điều trị đúng cách sẽ gặp phải các di chứng thần kinh vĩnh viễn như: tổn thương não; tràn dịch dưới màng cứng (tích tụ chất lỏng giữa hộp sọ và não); não úng thủy (tích tụ chất lỏng bên trong hộp sọ dẫn đến sưng não); mất thính lực, câm; liệt tay chân; lác mắt; động kinh; sa sút trí tuệ, mất khả năng học tập… Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, viêm màng não có thể do vi khuẩn, vi rút, lao, ký sinh trùng, nấm. Ngay khi trẻ có các triệu chứng nghi ngờ như sốt cao đột ngột, có một số triệu chứng về thần kinh, đau đầu dữ đội, mắt nhìn mờ, nôn vọt, cổ cứng, hơi lừ đừ khác thường so với thường ngày hoặc là trẻ quấy khóc vô cớ, nặng hơn là co giật, hôn mê thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, chẩn đoán, phân loại và điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh viêm màng não, mọi người cần nâng cao sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục phù hợp, khám sức khỏe định kỳ. Vào thời điểm giao mùa, nhiệt độ tăng cao, các gia đình cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang... để phòng tránh bệnh. Bên cạnh đó, hiện nay, có nhiều loại vi khuẩn đã có vắc xin để tiêm phòng như viêm não mô cầu, viêm màng não do vi khuẩn Hib…, phụ huynh nên đưa con em mình đi tiêm vắc xin đầy đủ, không chỉ phòng bệnh mà còn giúp trẻ tránh các di chứng sau khi mắc bệnh.

Mai Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.